Microsoft đã kết thúc năm 2018 với tư cách là công ty phần mềm có giá trị nhất thế giới, nhưng đứa "con cưng" của hãng là Windows 10 cũng đã đạt được một cột mốc có thể coi là quan trọng nhất kể từ khi được ra mắt. Theo đó, thống kê tư Net Application cho thấy hệ điều hành Windows 10 mới nhất hiện nay cuối cùng cũng đã đánh bại thị phần của chính người anh em của mình là Windows 7 và trở thành hệ điều hành máy tính để bàn phổ biến nhất trên thế giới. Tính đến hết tháng 12 năm 2018, Windows 10 đang chiếm 39.22% thị phần hệ điều hành máy tính để bàn trên toàn thế giới, so với con số 36.9% của Windows 7. Đây là một thống kê mà Microsoft phải mất ba năm rưỡi để đạt được, và nó đồng thời cũng cho thấy rằng Windows 7 đã từng được sử dụng rộng rãi như thế nào kể từ khi được phát hành chính thức vào ngày 22 tháng 10 năm 2009 trên toàn thế giới - gần 10 năm trước.
Microsoft đã từng lên kế hoạch sẽ khiến Windows 10 có thể được chạy trên một tỷ thiết bị trong vòng ba năm kể từ khi phát hành, nhưng nhiều khả năng công ty sẽ sớm hoàn thành được mục tiêu này. Windows 10 hiện đang được chạy trên hơn 700 triệu thiết bị, bao gồm PC, máy tính bảng, điện thoại và thậm chí là cả máy chơi game Xbox One. Trên thực tế, Windows 7 vẫn giữ được đà phát triển tương đối mạnh mẽ trong những năm gần đây, mặc dù Microsoft đã có những chiến lược đẩy mạnh để giúp người dùng PC nâng cấp miễn phí lên hệ điều hành mới hơn là Windows 10? Chiến dịch này được thiết kế để nhắm mục tiêu đến những người dùng đang sử dụng những chiếc máy tính bốn hoặc năm tuổi. Nhưng cuối cùng thì Windows 10 vẫn vượt lên bằng “sức trẻ” của mình.
39.22% thị phần hệ điều hành máy tính để bàn trên toàn thế giới là một cột mốc quan trọng đối với Windows 10 và nó đã vượt qua Windows 7 thậm chí còn trước cả khi Microsoft dự định sẽ kết thúc hỗ trợ mở rộng cho hệ điều hành 10 năm tuổi này vào ngày 14 tháng 1 năm 2020. Tuy nhiên, Microsoft vẫn sẽ cần phải thuyết phục các doanh nghiệp nâng cấp lên Windows 10. Doanh nghiệp chính là những đối tượng “lười” nâng cấp Windows nhất vì họ thường nêu cao tính ổn định của hệ thống, vậy nên nếu hệ điều hành cũ vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu trong khi hệ điều hành mới lại không mang lại quá nhiều lợi ích rõ rệt hoặc đơn giản là vẫn chưa ổn định thì họ đương nhiên không dại gì mà nâng cấp. Trong quá khứ, Microsoft cũng đã phải đối mặt với một thách thức tương tự khi cố gắng thuyết phục các doanh nghiệp chuyển từ Windows XP sang Windows 7, và công ty đã phải phát hành các sách trắng để so sánh chi phí và lợi ích cụ thể của hai hệ điều hành này gần bảy năm trước.
Xem thêm:
- Sắp có chế độ Dark Mode cho Google Chrome trên Windows 10 và đây là cách trải nghiệm trước
- Steam ngừng hỗ trợ cho Windows XP và Vista kể từ ngày 01/01/2019
- Edge thắng Chrome và Firefox trong bài kiểm tra thời gian sử dụng pin nhưng Microsoft không phô trương như trước
- Mời chiêm ngưỡng Concept Windows 11 với nhiều tính năng độc đáo và thiết kế giao diện mang phong cách Mac OS