Vụ sáp nhập Alcatel-Lucent và câu chuyện văn hóa DN

Gã khổng lồ viễn thông Paris sẽ có một Giám đốc điều hành người Mỹ mới, nhưng xáo trộn không chỉ đơn giản như thế.

Ngày hôm qua, Alcatel SA và Lucent Technologies đã chính thức ký kết hợp đồng sáp nhập, tạo ra một gã khổng lồ về thiết bị viễn thông "xuyên lục địa", trụ sở đặt tại Paris nhưng lại chịu sự lãnh đạo của người Mỹ. Đây chắc chắn sẽ là một thử thách cực lớn cho Giám đốc điều hành Patricia Russo của Lucent trong việc đưa hai nền văn hóa khác biệt lại gần nhau.

Thế lực mới

Người đẹp Russo năm nay 53 tuổi, sẽ nắm trọng trách chèo lái tập đoàn mới, với doanh thu hàng năm ước tính không dưới 25 tỷ USD.

Bà Patricia Russo, 53 tuổi, Giám đốc điều hành hiện tại của Lucent Technologies, nổi danh với những vụ sa thải hàng loạt, sẽ chèo lái con thuyền mới như thế nào? Nguồn: Forbes
Bà Patricia Russo, 53 tuổi, Giám đốc điều hành hiện tại của Lucent Technologies, nổi danh với những vụ sa thải hàng loạt, sẽ chèo lái con thuyền mới như thế nào? Nguồn: Forbes

Nếu được các cổ đông và nhà lập pháp ở cả hai bờ Đại tây Dương phê chuẩn, bản hợp đồng này sẽ chấm dứt thời kỳ độc lập của Lucent, hãng từng có một thời "hoàng tráng" bậc nhất đất Mỹ. Vào thời điểm hoàng kim, Lucent Technologies có số vốn thị trường lên tới 100 tỷ USD và là một trong những gương mặt "nóng nhất" của thời kỳ bùng nổ cơn sốt dot-com hồi cuối thập niên 90.

Trên thực tế, trước đây, Lucent từng cố gắng sáp nhập với Alcatel một lần vào năm 2001, song khi ấy, hợp đồng đã sụp đổ vì hai bên không thống nhất được vấn đề người lãnh đạo.

Bản hợp đồng ký kết hôm qua nhiều khả năng sẽ khiến 10% trong nguồn nhân lực 88.000 người của cả hai hãng bị thôi việc trong thời gian tới. Nhưng đổi lại, tập đoàn mới sẽ tiết kiệm được tới 1,7 tỷ USD mỗi năm trong liên tục 3 năm, nhờ cắt giảm nhân sự, tiền thuê văn phòng và chi phí nghiên cứu cũng như phát triển.

Mặc dù trên lý thuyết, vụ sáp nhập lần này là giữa hai doanh nghiệp bằng vai phải lứa, song có vẻ như Alcatel sẽ nắm giữ vai trò mạnh mẽ hơn trong việc quyết định tương lai của tập đoàn mới. Cổ phiếu của tập đoàn sẽ được niêm yết tại Paris chứ không phải Mỹ, hội đồng quản trị sẽ có 6 thành viên từ Alcatel và 6 người từ HĐQT hiện tại của Lucent, cộng thêm hai giám đốc độc lập khác (với điều kiện phải có quốc tịch châu Âu). Giám đốc điều hành Serge Tchuruk của Alcatel, năm nay 68 tuổi, sẽ giữ ghế chủ tịch.

Phần lớn êkip quản lý dưới quyền bà Russo, bao gồm chức giám đốc tài chính, giám đốc chỉ đạo thường trực, người phụ trách thị trường mới nổi và giám đốc nhân lực sẽ đến từ Alcatel. Cánh tay phải của bà Russo tại Lucent là giám đốc chỉ đạo thường trực Frank D'Amelio sẽ nắm cương vị phó chủ tịch điều hành.

Nhằm trấn an mọi nỗi lo âu liên quan đến bảo mật quốc gia của Mỹ, một phân nhánh độc lập sẽ được lập ra tại nước này để quản lý các bản hợp đồng với chính phủ Hoa Kỳ. Điều hành phân nhánh này là một hội đồng độc lập, bao gồm 3 công dân Mỹ được chính phủ phê chuẩn.

Lịch sử không thuận

Lịch sử dường như luôn chống lại các liên minh viễn thông quốc tế có sự tham gia của một công ty Mỹ. Lấy thí dụ, British Telecommunications PLC và tập đoàn AT&T đã phải chứng kiến liên doanh Concert sụp đổ chỉ vài năm sau khi thành lập. Nhiều hãng viễn thông của Mỹ cũng chơi bài "chuồn" tương tự sau khi liên doanh được một thời gian ngắn.

Nguồn: Digitoday
Nguồn: Digitoday

Ngay cả ngoài lĩnh vực viễn thông, những cuộc sáp nhập xuyên Đại Tây Dương cũng gặp không ít chông gai, bão tố. Điển hình là hợp đồng năm 1998 giữa hãng ô tô Daimler-Benz AG với tập đoàn Chrysler.

Trong trường hợp này, khi Alcatel và Lucent hợp nhất, bà Russo chắc chắn sẽ phải đối mặt với vô vàn trở ngại, khó khăn. Dễ thấy nhất là việc bà không nói được tiếng Pháp trong khi lại làm việc ở đại bản doanh của Alcatel tại Paris.

Alcatel nói rằng chuyện đó không thành vấn đề, do tập đoàn của họ rất "quốc tế" và tiến hành phần lớn hoạt động kinh doanh bằng tiếng Anh. Trong cuộc phỏng vấn tối qua, cả bà Russo lẫn ông Tchuruk đều tỏ ra không mấy lo ngại về sự khác biệt văn hóa giữa hai hãng. Mà nói như lời bà Russo thì thậm chí "giữa hai bên còn có rất nhiều điểm tương đồng".

Ông Tchuruk thì dẫn ra việc Alcatel hiện có 6000 nhân viên tại Mỹ và 7000 nhân viên tại Trung Quốc. Do đó, khoảng cách về văn hóa không khiến ông "sợ hãi", vì ông đã "quen với việc làm việc trong môi trường đa văn hóa" rồi.

Bài toán sa thải

Tuy nhiên, ai cũng hiểu thực tế không bao giờ êm ái được như lời nói, và hơn ai hết, bà Russo sẽ là người "nếm đủ" mùi vị chua cay khi kinh doanh tại Pháp. Theo truyền thống, chính phủ nước này luôn có ảnh hưởng cực sâu đến các doanh nghiệp trong nước, và luôn nắm giữ một số lượng cổ phiếu rất lớn của khu vực viễn thông, quốc phòng. Có nhiều thời kỳ, chính phủ còn theo đuổi chính sách bảo hộ nền công nghiệp quốc gia khỏi sự tiếp quản và mua lại của các công ty nước ngoài.

Trận chiến đầu tiên, và cũng là đòn cân não quan trọng mà bà Russo phải vượt qua, ấy là đợt sa thải nhân viên quy mô lớn ngay sau vụ sáp nhập. Lao động là một vấn đề chính trị cực kỳ nhạy cảm ở Pháp: Các công đoàn và nghiệp đoàn hoạt động rất mạnh, người lao động được pháp luật bảo vệ và tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp đang khá cao, xấp xỉ 10%. Đó là chưa kể việc hàng trăm ngàn người đã đổ ra đường phố Paris trong suốt mấy tuần qua để phản đối bộ luật mới, cho phép giới ông chủ thuê và sa thải sinh viên không cần có lý do.

Nói đi cũng phải nói lại. Bà Russo là một người dày dạn kinh nghiệm với những vụ sa thải hàng loạt kiểu này. Tại Lucent, bà leo lên được cương vị giám đốc điều hành cũng là nhờ sắp đặt êm thấm các vụ cắt giảm nhân sự, tách công ty con và cho nghỉ hưu sớm gần 80% lực lượng lao động của hãng. Trong khi ấy, dưới triều đại của ông Tchuruk, Alcatel cũng đã cắt giảm 40.000 nhân viên, tương đương 70% nhân lực của hãng, để vượt qua thời kỳ cơn sốt dot-com xì hơi hồi năm 2001.

Alcatel và Lucent không tiết lộ khi nào thì bắt đầu thực hiện việc cắt giảm nhân viên, ngoài lời hứa sẽ tiến hành nó một cách "công bằng và cân bằng giữa hai bên".

Thuận theo tự nhiên?

Vụ sáp nhập giữa Alcatel và Lucent là dấu hiệu mới nhất cho thấy xu hướng sáp nhập (từng quét qua các mạng di động trong suốt mấy năm qua) đang tràn sang khu vực chế tạo thiết bị viễn thông, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Những gương mặt mới đến từ Trung Quốc như Huawei Technologies và ZTE đang nhanh chóng gia tăng thị phần nhờ hạ thấp giá thành. Khách hàng thì đang bị những mạng viễn thông sử dụng công nghệ Internet của Cisco Systems giành mất.

Serge Tchuruk, năm nay 68 tuổi, giám đốc điều hành hiện tại của Alcatel sẽ nắm giữ ghế chủ tịch. Nguồn: Businessweek
Serge Tchuruk, năm nay 68 tuổi, giám đốc điều hành hiện tại của Alcatel sẽ nắm giữ ghế chủ tịch. Nguồn: Businessweek

Việc Lucent và Alcatel sáp nhập với nhau âu cũng là lẽ tự nhiên, bởi hai hãng sở hữu những dòng sản phẩm na ná nhau nhưng mỗi bên lại có một thế mạnh riêng (Cả Alcatel lẫn Lucent đều chế tạo thiết bị mạng Internet và viễn thông) . Hơn 2/3 doanh thu của Alcatel đến từ châu Âu, Mỹ La tinh, Trung Đông và châu Phi, và đại gia nước Pháp này đặc biệt hùng mạnh trong những thiết bị cho phép đường dây điện thoại thông thường tải được Internet tốc độ cao và tín hiệu truyền hình số. Trong khi ấy, 2/3 doanh thu của Lucent lại kiếm được từ thị trường Mỹ.

Những đợt sa thải dưới đế chế của bà Russo đã giúp Lucent thoát khỏi bờ vực phá sản cách đây 4 năm, khi cả khu vực viễn thông khủng hoảng nặng nề. Trong hai năm tài khóa gần đây, Lucent thậm chí còn kinh doanh có lãi. Giá cổ phiếu của hãng cũng đã chậm chạp bò trở lại mức trên 3 USD, so với chưa đầy 1 USD hồi năm 2002.

Tuy nhiên, bà Russo cũng phải hứng chịu không ít búa rìu vì những quyết định thẳng tay của mình. Nhiều người đã tự nguyện bỏ đi với lời giải thích "Tuần nào, chúng tôi cũng tự hỏi: Liệu đã đến lượt mình hay chưa? Điều đó hoàn toàn không tốt chút nào cho tâm lý làm việc".

Chọn ai cho công bằng?

Việc lựa chọn nhân viên để cắt giảm trong tập đoàn mới có lẽ còn khó khăn hơn rất nhiều, bởi bà Russo sẽ phải đối mặt với sự kháng cự quyết liệt tại Pháp. Nếu như ở Mỹ, chuyện sa thải dễ dàng được người lao động, nhất là giới trí thức văn phòng chấp nhận, thì văn hóa lao động Pháp hoàn toàn ngược lại. Trước đây, Alcatel có thể thoải mái cắt giảm nhân sự ở bên ngoài nước Pháp, nhưng khi đụng đến "sân nhà" thì họ nhủ thầm: Tránh voi chẳng xấu mặt nào.

Chính vì thế, các nhân viên của Lucent đang cảm thấy trĩu nặng âu lo. Có thể họ sẽ bị sa thải trước tiên, đơn giản vì cho họ nghỉ việc dễ hơn nhiều so với sa thải các đồng nghiệp người Pháp. Nhưng nếu như thế, bà Russo sẽ lại bị chỉ trích rằng ưu ái Alcatel hơn là Lucent.

Mặt khác, bà Russo cũng sẽ phải né tránh tình trạng "lắm thầy thối ma" bên trong tập đoàn mới. Sở dĩ cuộc sáp nhập giữa Daimler-Benz và Chrysler gây thất vọng lớn, là vì ban đầu người ta đã không xác định rõ đây là một vụ hôn phối bình đẳng, hay là Daimler tiếp quản Chrysler. Năm 2004, tập đoàn Daimler Chrysler đã phải trả tới 300 triệu USD để dàn xếp một vụ kiện ầm ĩ, khi các nhà đầu tư cáo buộc giám đốc điều hành Daimler đã "đánh lừa họ bằng tuyên bố sáp nhập bình đẳng".

Thiên Ý

Thứ Tư, 26/08/2020 11:36
31 👨 914
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp