VTL lắp ráp sản phẩm của mình với những loại đèn công suất và đèn tiền khuếch đại phổ thông vẫn đang được sản xuất, có sẵn trên thị trường và rất dễ thay thế.
Cách đây 15 năm, những sản phẩm đầu tiên của VTL có mặt tại Việt Nam đã giúp người yêu nhạc biết được thế nào là âm thanh hi-end của ampli đèn. Qua năm tháng, phong trào chơi âm thanh đã lớn mạnh hơn rất nhiều với đủ loại thương hiệu khác nhau, nhưng cái tên VTL vẫn giữ được một tình cảm rất đặc biệt trong lòng của những tay chơi hi-end có đẳng cấp tại Việt Nam.
Từ quy mô gia đình đến quy trình công nghiệp
VTL đã có mặt tại Việt Nam được 15 năm. Ảnh: VTL.
Ban đầu, VTL (Vaccum Tube Logic) chỉ là một thương hiệu gia đình, được thành lập dựa trên những thiết kế ampli chuyên dụng cho các studio từ đầu thập niên 80. Mẫu thiết kế đầu tiên ra đời vào năm 1980 tại Nam Phi dưới đôi tay của David Manley, và được các studio ghi âm đánh giá cao bởi chất lượng âm thanh tốt và hoạt động ổn định liên tục. Tới năm 1983, VTL bắt đầu sản xuất các ampli cho cho nghe nhạc dân dụng và từ đó các sản phẩm của họ bắt đầu được phân phối đi khắp Châu Âu.
Đến tháng 6 năm 1986, David sang dự triển lãm CES tại Chicago, mang theo một mẫu ampli đèn điện tử đang được sản xuất tại Anh để phục vụ thị trường Châu Âu, nhằm giới thiệu thương hiệu VTL tới Châu Mỹ. Ngay lập tức, mẫu ampli đó đã thu hút được sự chú ý và đánh giá cao của các chuyên gia âm thanh. Chính trong chuyến đi đó, David và con trai mình là Luke Manley, quyết định đưa sản phẩm của họ vào thị trường mới này. VTL chính thức trở thành một công ty, một thương hiệu Mỹ, ban đầu tại Providence, Rhode Island và sau đó chuyển sang Chino, Nam California nhằm tậm dụng công nghệ, nguyên vật liệu và nhân lực của ngành công nghiệp chế tạo máy tại đây. Từ đó cho tới nay, Chino - Califorrnia vẫn là trụ sở chính của VTL, với cả văn phòng và hệ thống các nhà máy hiện đại.
Vào năm 1989, VTL cho ra đời dòng sản phẩm mang thương hiệu Manley, những sản phẩm chất lượng đỉnh cao chuyên phục vụ cho các studio. Đây cũng đồng thời là một thương hiệu ghi âm với mục đích thể hiện chất lượng âm thanh khi được ghi bằng sản phẩm Manley và phát lại bằng sản phẩm VTL.
Tới năm 1993, dòng sản phẩm Manley thành công tới mức cha con David quyết định tách rời công ty để phát triển thương hiệu được tốt hơn: David thành lập thương hiệu Manley Labs với các sản phẩm proaudio, còn Luke tiếp tục quản lý VTL phục vụ giới audiophile.
Năm 1995, VTL cho ra đời ampli "khủng long" Wotan Reference MB-1250, được coi là một trong những ampli công suất mạnh nhất trong lịch sử. Nối tiếp thành công đó, hãng cho ra đời ampli MB-750, với mức công suất thấp hơn nhưng dễ kiểm soát hơn nhiều. Và những sản phẩm như PR-1, ST-80, MB-125, MB-175, MB-300… đã hiện diện khắp nơi trên thế giới, trong những phòng nghe nhạc của các audiophile tinh tế nhất và các studio ghi âm khắt khe nhất.
Phong cách thiết kế mới mẻ trong các sản phẩm năm 2000 của VTL. Ảnh: VTL.
Kể từ năm 2002, hãng giới thiệu một dòng sản phẩm mới gồm các preamp và ampli stereo đỉnh cao, phối hợp những ưu thế vượt trội của đèn điện tử và bán dẫn. Điển hình trong số đó là preamp TL7.5 Reference, ampli monoblock Siegfried Reference, và ampli S-400 Reference. Dòng sản phẩm này, đặc biệt là ampli công suất 800W Siegfried, mang trong mình những cải tiến mang tính cách mạng, như nguồn ổn áp có độ ổn định cao cho plate và lưới 2, mạch auto-bias dùng microchip cho tất cả các bóng đèn, mạch điện kiểm tra lỗi của đèn, cổng serial để kết nối với modem… cùng phong cách design mới mẻ và lôi cuốn.
Vào năm 2007, dựa trên công nghệ của model Siegfried, VTL giới thiệu dòng ampli Series II Signature Monoblock gồm MB-450 và MB-185. Nhiều cải tiến vượt bậc cùng các linh kiện cao cấp một lần nữa góp phần hoàn thiện chất âm huyền thoại của VTL.
Năm 2008, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường đòi hỏi một preamp phono với các công nghệ tiên tiến nhất, VTL đã cho ra mắt preamp TP6.5 Signature Phono, người kế vị hoàn hảo của những preamp line stage đời trước như TL7.5 và TL6.5.
Nối tiếp kỷ nguyên của đèn điện tử
Ampli mang số hiệu ST-85.
Không ít người cho rằng đèn điện tử đã trở nên lỗi thời. Quả thực, trong mấy chục năm trở lại đây, ngành công nghiệp chế tạo thiết bị âm thanh đã thay đổi và lớn mạnh rất nhiều nhờ công nghệ bán dẫn tiên tiến. Nhưng đèn điện tử vẫn thể hiện vị trí đặc biệt của nó trong thế giới âm thanh hi-end bởi chất âm ấm áp, mềm mại và tự nhiên… quyến rũ biết bao đôi tai sành âm nhạc. Và cũng như rất nhiều hãng khác, VTL đã lựa chọn áp dụng những công nghệ mới vào thiết kế dùng đèn điện tử, nhằm cải thiện đáng kể công suất và chất lượng âm thanh. Không sử dụng những loại đèn điện tử đặc biệt khó thay thế và giá thành cao, VTL lắp ráp sản phẩm của mình với những loại đèn công suất và đèn tiền khuếch đại phổ thông vẫn đang được sản xuất, có sẵn trên thị trường và rất dễ thay thế. Với các ampli công suất nhỏ, VTL sử dụng đèn EL-34, công suất lớn dùng 6550 hoặc KT-88. Tất cả đều có nhưng điểm chung trong thiết kế, đó là mạch công suất Push-Pull, có công tắc chuyển chế độ giữa 3 cực và 4 cực cho đèn công suất, rất linh hoạt với yêu cầu thưởng thức từng thể loại âm nhạc. Triết lý thiết kế của VTL là "làm cho đèn điện tử trở nên thân thiện hơn". Với triết lý đó, tất cả "design" của VTL đều không nhằm phô trương những bóng đèn vừa nóng vừa tạo cảm giác bất an, mà thay vào đó các bóng đèn được ẩn dưới những chassis trang nhã, chỉ lộ ra một chút ánh sáng xanh của đèn đủ để người ta nhận ra đó là ampli đèn điện tử.
Điểm nhấn của ampli VTL
Mọi sản phẩm của VTL đều mang chung một chất âm – tươi sáng, trong trẻo, đầy đặn, với tiếng bass sâu và đầy sức sống… Nói như một nhà phê bình âm nhạc nhận xét: "mạnh mẽ, rộng mở mà vẫn ngọt ngào".
Ampli tích hợp VTL IT-85. Ảnh: VTL.
Phần lớn các cặp loa hiện đại trên thị trường đều có thiết kế phức tạp, yêu cầu trở kháng ngõ ra của ampli phối ghép phải rất nhỏ và công suất lại phải lớn. Đây quả là bài toán khó đối với các hãng sản xuất ampli đèn điện tử, bởi bản chất của đèn điện tử là hiệu suất thấp và trở kháng cao. VTL là một trong số ít hãng sản xuất ampli đèn kiên trì hướng tới mục tiêu giải quyết vấn đề công suất trước tiên nhằm đảm bảo tái hiện đầy đủ những chi tiết và sự sống động của bản nhạc ở bất kỳ cặp loa khó tính nào. Ngay từ năm 1987, hãng đã cho sản xuất ampli monoblock công suất cực cao Luxe 500, với công suất lên đến 500 Watt, và thậm chí đạt tới 1.000 Watt vào hồi đầu thập niên 90. Đó chính là tiền đề cho những model với công suất kinh ngạc: MB-750 (750 Watt) và Wotan MB-1250 (1.250 Watt) ngày nay. Người ta thường hay ví von VTL là "chàng lực sỹ" trong giới các thiết bị đèn điện tử, bởi các sản phẩm của hãng này luôn thể hiện nội lực cuồn cuộn trong những lần trình diễn chính thức.
Tất cả các ampli của VTL đều có chung một thiết kế kéo – đẩy và ghép song song rất nhiều bóng ở phần công suất để nâng số oát ở đầu ra và hạ trở kháng output. Hai cha con David/Luke đều có chung một quan điểm không thích về sử dụng các loại bóng 3 cực đắt tiền mà thay vào đó là dùng những bóng 4 cực, 5 cực phổ thông và dùng các giải pháp kỹ thuật như dùng mạch ổn áp ở lưới 2 hay mạch siêu tuyến tính để âm thanh của đèn ở chế độ 5 cực đạt phẩm chất tốt nhất.
Âm nhạc là vô cùng phức tạp và tinh tế… để tái tạo lại âm thanh trung thực, trong các ampli đèn cần có mạch điện đơn giản với các linh kiện có chất lượng cao nhất. Theo nguyên tắc đó, các sản phẩm của VTL đều sử dụng thiết kế dùng thuần đèn điện tử, với một đường tín hiệu rất ngắn, bộ nguồn lớn, biến thế xuất âm đẳng cấp. Trên thực tế, triết lý của VTL là "keep it simple, keep it compact" (đơn giản và gọn nhẹ) để đem lại nhạc tính tối đa. Triết lý đó luôn song hành cùng hãng ngay từ thủa ban đầu, và luôn được người nghe ủng hộ và đánh giá cao. Các mạch điện của VTL thường dùng lối thiết kế khuếch đại vi sai ở đầu vào và tầng lái để bảo đảm âm thanh chính xác và sử dụng hồi tiếp âm ở mức độ rất vừa phải, chỉ đủ để bảo đảm khả năng kiểm soát các cặp loa khó tính, nhằm tránh các tác động tiêu cực của hồi tiếp. Linh kiện được sử dụng trong các sản phẩm của VTL đều là loại linh kiện được tuyển chọn kỹ lưỡng. Các loại tụ sử dụng trên đường tín hiệu đều là tụ MIT có chất lượng cao.
Chất lượng biến thế xuất âm
Khối monoblock MB-125. Ảnh: VTL.
Chất lượng ampli đèn phụ thuộc phần lớn vào bộ biến thế xuất âm. Nếu biến thế không được chế tạo cẩn thận sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của ampli và nhạc tính. Biến thế xuất âm của VTL có dải tần cực rộng. Với kích thước lớn và kết cấu giữa các cuộn và các lớp khá phức tạp để hạn chế tổn hao từ cũng như điện dung ký sinh, dải tần của biến thế xuất âm dùng trong các sản phẩm của VTL rất rộng. Qua đo đạc kiểm nghiệm của nhiều kỹ sư âm thanh, các sản phẩm ampli của VTL có thể đạt full power (công suất tối đa) ở tần số 20 Hz. Thông số này kết hợp với thông số trở kháng ngõ ra rất thấp cho thấy khả năng kiểm soát tiếng bass của các sản phẩm VTL là rất tốt, ngay cả đối với các cặp loa hi-end đời mới có độ nhạy thấp và trở kháng dao động liên tục.
Tất cả các sản phẩm VTL đều được lắp ráp thủ công bởi những người thợ lành nghề nhất tại nhà máy của hãng ở California. Mọi sản phẩm đều phải trải qua một quá trình burn-in và kiểm tra tới hàng trăm giờ. Kết quả kiểm tra được một nhóm các chuyên gia âm thanh ghi lại rõ ràng và được cung cấp theo từng sản phẩm. Quá trình kiểm tra không chỉ có chất lượng âm thanh. Trước khi đóng thùng, mọi linh kiện đều được xem xét lại nghiêm túc thêm một lần nữa.
Công nghệ kiểm soát bằng máy tính cùng các thiết bị hiện đại liên tục được bổ sung và cập nhật tại VTL, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm được tốt nhất. Luke Manley là một người vô cùng tâm huyết, ông dành trọn thời gian của mình để chăm sóc từng sản phẩm mang thương hiệu VTL để chắc chắn rằng chúng phải có chất lượng cao nhất và xứng đáng với đồng tiền mà người mua đã bỏ ra.
Một số sản phẩm điển hình của VTL
Ampli tham chiếu Wotan. Ảnh: VTL.
Siegfried là một anh hùng trong truyện thần thoại của Đức. Giống như nhân vật Achilles trong thần thoại Hy lạp, Siegfried là một lực sỹ có sức mạnh vô song, bất khả chiến bại. Ampli Sergfried sử dụng 12 đèn 6550 ở mỗi vế, có công suất lên tới 800 Watt ở chế độ 4 cực và 400 Watt ở chế độ 3 cực. Mạch điện của ampli này sử dụng một số kỹ thuật mới như dùng microchip để tự động bias đèn trong khi đèn hoạt động. Bằng cách này đèn công suất luôn đạt điểm làm việc tốt nhất với từng biến đổi của tín hiệu đưa vào lưới. Như vậy chất lượng âm thanh sẽ tốt nhất, đồng thời tuổi thọ của đèn sẽ được cải thiện đáng kể.
Wotan - sản phẩm flagship (hàng đầu) của VTL. Sử dụng tới 24 đèn 6550 ở mỗi vế và công suất đạt tới 1.250 Watt/kênh, Wotan được coi là ampli tube thương mại có công suất lớn nhất. Ampli được thiết kế trên 2 chassis, một là khối nguồn và một là khối tín hiệu. Tổng trọng lượng cả 2 khối khoảng 120 kg. Với Wotan thì VTL tự hào tuyên bố là không ngại cặp loa nào. Thời điểm đầu tiên VTL giới thiệu sản phẩm này ra thị trường là tại triển lãm CES 1998 và tạo nên một cơn "địa chấn" thực sự khi cho 3 cặp Wotan đánh tri-amp cho hệ thống loa mành của hãng Martin Logan.
S-400 - ampli mới nhất của hãng. Có thiết kế tương tự như Siegfried nhưng công suất thấp hơn – 400W/kênh và sử dụng 12 bóng công suất 6550 ở cả 2 kênh. S-400 có trang bị mạch điện thông minh tự động thông báo tình trạng và thời gian sử dụng còn lại của đèn công suất ở mặt hiển thị phía trước máy. Mạch báo lỗi cũng hiển thị khi có vấn đề trục trặc về tín hiệu đầu vào. Các tiện ích đối với người dùng đã được hãng tối ưu hóa trong sản phẩm này.