Viễn thông tăng trưởng dù kinh tế suy thoái

Cho dù kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh bởi suy thoái, nhưng các doanh nghiệp viễn thông vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng cả về thuê bao, doanh thu và lợi nhuận.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, sở dĩ thuê bao điện thoại vẫn tăng trưởng mạnh bất chấp kinh tế suy thoái là dịch vụ viễn thông hiện cần như cơm ăn áo mặc hàng ngày. Hơn nữa, các dịch vụ viễn thông của Việt Nam đã ở mức bình dân khi chỉ cần khoảng 10.000 đồng/tháng là có thể dùng dịch vụ di động được.

Doanh thu tăng trưởng mạnh

Ông Bùi Thiện Minh, Phó Tổng giám đốc VNPT cho biết, cũng như các doanh nghiệp của Việt Nam, VNPT ít nhiều bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, do nhu cầu của người dân đối với các dịch vụ viễn thông ngày càng cao nên các doanh nghiệp viễn thông vẫn tăng trưởng mạnh. Nếu như năm 2008, tổng doanh thu của VNPT đạt khoảng 53.100 tỷ đồng (hơn 3 tỷ USD), tăng 17,5% so với năm 2007, thì năm 2009 đã đạt 78.000 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng khoảng 35% so với năm 2008. Đây là mức tăng trưởng khá cao của doanh nghiệp nhà nước trong điều kiện kinh tế suy thoái.

Tương tự như VNPT, năm 2009 Viettel cũng đạt được kết quả doanh thu rất cao. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc của Viettel cho biết, năm 2009 Viettel không “thuận buồm xuôi gió” như những năm trước nhưng doanh thu vẫn đạt 60.000 tỷ đồng, trong khi doanh thu năm 2008 của doanh nghiệp này là 2 tỷ USD, tương đương hơn 33.000 tỉ đồng. Với doanh thu này, Viettel đã đạt mức doanh thu năm sau gấp đôi năm trước trong vòng 5 năm liên tiếp (2004 – 2009). Nếu năm 2010, Viettel vẫn đạt mức tăng trưởng như vậy, chắc chắn doanh thu của Viettel sẽ đuổi kịp doanh thu của VNPT.

Không chỉ có “quả đấm thép” VNPT và Viettel có mức tăng trưởng tốt, một số doanh nghiệp viễn thông khác cũng có kết quả kinh doanh rất khả quan. FPT Telecom cho biết, đến hết quý III/2009, doanh thu toàn FPT Telecom đạt 1.384 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2009, hoàn thành 81% kế hoạch cả năm 2009. Lợi nhuận trước thuế 449 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng thời điểm 2008, hoàn thành 85% kế hoạch năm 2009. Dự kiến doanh thu cả năm 2009 của FPT Telecom sẽ đạt khoảng 1.800 tỷ đồng với lãi ròng 550 tỷ đồng. Giới phân tích cho rằng, trong điều kiện kinh tế suy thoái và GDP của Việt Nam ở mức tăng trưởng 7,5% thì những con số phát triển của các đại gia viễn thông là con số đầy ấn tượng.


Năm 2009, tổng số thuê bao điện thoại của Việt Nam đạt 107,5 triệu,
trong đó di động chiếm 85,7%.

Thuê bao vẫn phát triển mạnh

Nhìn bức tranh tổng thể của thị trường Viễn thông Việt Nam, 3 dịch vụ cơ bản là di động, cố định và Internet băng rộng vẫn là những điểm sáng. Tuy nhiên, năm 2009 là năm mà các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại cố định hữu tuyến gặp nhiều khó khăn bởi dịch vụ vô tuyến cố định lấn lướt. Phía Viettel cho biết, số điện thoại cố định hữu tuyến phát triển được trong năm 2009 chưa bằng 1/20 số thuê bao điện thoại cố định vô tuyến (HomePhone) phát triển được. Riêng trong năm 2009, Viettel đã phát triển được khoảng 2 triệu thuê bao HomePhome mới, tăng gấp đôi so với năm 2008 và là năm có số lượng thuê bao phát triển lớn nhất. Không chỉ có Viettel, VNPT và EVN Telecom cũng tung ra nhiều chương trình như tặng máy vô tuyến cố định và tặng cước thuê bao khiến thị trường này liên tục nóng bỏng.

Cùng với dịch vụ điện thoại vô tuyến cố định, năm 2009 cũng là năm mà ADSL tiếp tục tăng trưởng mạnh. Nếu như năm 2008 Việt Nam có khoảng hơn 2 triệu thuê bao ADSL thì năm 2009 con số này khoảng 3,5 triệu thuê bao. Như vậy, thị trường ADSL của Việt Nam vẫn có sự phát triển đầy ấn tượng.

Cho dù ADSL và dịch vụ điện thoại vô tuyến cố định là điểm sáng nhưng dịch vụ di động mới thực sự là tâm điểm của viễn thông Việt Nam năm 2009. Theo con số thống kê, tổng số thuê bao điện thoại của Việt Nam năm 2009 có 107,5 triệu, đạt mật độ 126,4 máy/100 dân, trong đó di động chiếm 85,7%. Trước đó, nhiều chuyên gia dự báo, năm 2009 thuê bao di động sẽ bắt đầu chững lại để chuyển sang giai đoạn bão hoà vào năm 2010. Thế nhưng, trên thực tế các mạng di động vẫn phát triển mạnh thuê bao trong năm 2009. Tính đến thời điểm này, tất cả những mạng di động mới tham gia thị trường như Vietnamobile và Beeline của Việt Nam cũng đã vượt ngưỡng 1 triệu thuê bao. Tuy nhiên, số liệu thuê bao thực sự đang phát sinh cước của các mạng di động vẫn nằm “trong vòng bí mật”.

Loại trừ những thuê bao ảo và số người sử dụng nhiều sim, các mạng di động cho rằng chỉ có khoảng 50% dân số đang sử dụng điện thoại di động, còn 50% dân số chưa sử dụng dịch vụ này.

Đầu tư mạnh cho 3G

Trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái, các mạng di động Việt Nam vẫn đầu tư rất mạnh cho 3G bởi đây là việc đầu tư cho tương lai. Tháng 8/2009, Bộ TT&TT đã cấp 4 giấy phép 3G cho các mạng di động và các mạng này đã cam kết đầu tư tối thiểu là 33.822 tỉ đồng (khoảng 2 tỉ USD) cho việc triển khai 3G ngay trong 3 năm đầu tiên. Ngoài ra, các mạng di động cũng phải đặt cọc số tiền lên đến 8.100 tỉ đồng. Theo tính toán đến giữa năm 2010, Viettel sẽ phải đầu tư khoảng hơn 12.000 tỉ đồng, EVN Telecom và Hanoi Telecom cũng phải đầu tư khoảng 6.000 tỉ đồng... VinaPhone tuyến bố cũng sẽ đầu tư 1 tỷ USD cho 3G. Ngày 12/10, VinaPhone ra mắt mạng 3G đầu tiên tại Việt Nam. Sau khi cung cấp dịch vụ, VinaPhone cho biết, dịch vụ 3G vẫn phát triển khả quan trong điều kiện kinh tế suy thoái. Hiện nhu cầu sử dụng dịch vụ tại hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh là lớn nhất, chiếm đại đa số thuê bao 3G mới của mạng di động này.

Thứ Hai, 04/01/2010 08:00
31 👨 195
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp