Trong cuộc họp cổ đông mới nhất, nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới TSMC đã tự tin trấn an các nhà đầu tư về mối đe dọa từ những tiến bộ gần đây của Huawei trong lĩnh vực phát triển chip bán dẫn cao cấp. Căn cứ vào khoảng cách công nghệ và hàng loạt hạn chế xuất khẩu của Mỹ, các giám đốc điều hành TSMC bày tỏ sự tin tưởng vào việc duy trì sự thống trị thị trường của mình mà không cần phải quan tâm đến đối thủ đến từ Đại Lục.
Chủ tịch TSMC Mark Liu đã giải đáp thắc mắc của một cổ đông về Huawei và các đối thủ cạnh tranh khác, ông nói rằng: “TSMC xem xét mọi đối thủ cạnh tranh rất cẩn thận. Chúng ta sẽ luôn có đối thủ cạnh tranh. Nhưng điều có liên quan gì đến Huawei hay không”. Ông Liu đã hạ thấp mối đe dọa của Huawei, đồng thời ngụ ý rằng toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc đang bị bỏ xa phía sau chứ không chỉ riêng Huawei.
Chia sẻ cùng quan điểm, Giám đốc điều hành TSMC Wei Zhejia cũng khẳng định Huawei sẽ “không thể” bắt kịp công nghệ chế tạo chip của TSMC, ít nhất là trong nhiều năm tới. Sự tự tin này không phải không có cơ sở. Gã khổng lồ bán dẫn Đài Loan đã khẳng định được vị thế dẫn đầu trong ngành bán dẫn toàn cầu suốt thời gian qua, đồng thời đang nắm trong tay hàng loạt dây chuyền sản xuất hiện đại nhất thế giới.
Ở phía đối diện, Huawei cũng không phải cái tên tầm thường, nhưng công ty này đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi liên tiếp các lệnh cấm vận của chính phủ Mỹ nhằm hạn chế khả năng tiếp cận các thiết bị sản xuất chip tiên tiến, từ đó cản trở triển vọng cạnh tranh ở mức cao nhất. Đây cũng là lý do trong khi TSMC đang có kế hoạch bắt đầu sản xuất chip 2nm vào năm tới, thì Huawei vẫn đang chủ yếu tập trung vào các dây chuyền 7nm. Một số tin đồn cho thấy SoC 5nm của công ty Trung Quốc có thể sớm ra mắt, nhưng nhìn chung vẫn chưa có gì chắc chắn.
Huawei bị Mỹ đưa vào danh sách đen năm 2019, và đã cố gắng tái xuất thị trường với dòng sản phẩm Mate 60 Pro và bộ vi xử lý Redmi 5G mới. Tuy nhiên, công nghệ 7nm khiến họ gặp bất lợi về hiệu suất và hiệu quả sử dụng điện năng so với sản phẩm mới từ các nhà sản xuất chip khác.
Mặc dù những nỗ lực hướng tới khả năng tự cung cấp của Huawei là đáng chú ý nhưng khoảng cách về công nghệ và những hạn chế do các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt là một thách thức đáng kể. Câu hỏi vẫn là: liệu có đối thủ cạnh tranh nào, kể cả Huawei, có thể vượt qua vị trí dẫn đầu và kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt của TSMC không?