Các hacker làm máy tính nhiễm virus, chuyển đường link trang web và đánh cắp dữ liệu từ các mạng máy tính trong một quý khốn đốn khó quên.
Theo báo cáo được công ty bảo mật Internet PandaLabs công bố hôm 7/7, các nhóm tin tặc Lulz Security và Anonymous đã gây ra “tình trạng hỗn loạn trên diện rộng” trong ba tháng kết thúc vào ngày 30/6, và các phần mềm độc hại (malware) “phát tán mạnh.”
Báo cáo nêu rõ: “Quý này là một trong những quý tồi tệ nhất. Số vụ tin tặc tấn công các doanh nghiệp và các tổ chức lớn đã gióng lên hồi chuông báo động vì các hệ thống và những công ty cho đến nay vẫn được coi là ‘không thể hack’ đã trở thành nạn nhân của tội phạm mạng.”
Các nạn nhân bị tấn công là những công ty tổ chức từ Quỹ tiền tệ quốc tế và Bộ Quốc phòng Mỹ đến Sony, SEGA và Citigroup.
Trong khi các mạng máy tính bị xâm phạm có vẻ như vì những động cơ chính trị, tài chính hoặc tiêu khiển, thì lại có một đợt phát tán virus đáng kể nhằm vào các máy tính trong gia đình trên thế giới. Các tin tặc có thể kiểm soát các máy tính bị lây nhiễm virus và sử dụng chúng để tấn công mạng hoặc trang web.
Các nhà nghiên cứu xác định rằng trung bình 42 loại mailware mới được tạo ra mỗi phút trong quý vừa qua. Trung Quốc đứng đầu danh sách những nước có tỷ lệ lây nhiễm virus lớn nhất, với 61,33% tổng số máy tính bị nhiễm malware.
Thái Lan đứng thứ hai với 56,67% và Đài Loan-Trung Quốc đứng thứ ba với 52,92%. Mỹ và phần lớn châu Âu xấp xỉ bằng tỷ lệ trung bình 39,79% của thế giới. Thụy Điển có tỷ lệ máy tính bị nhiễm malware thấp nhất với 27,29%, tiếp đến là Thụy Sĩ và Na Uy với cùng 29%.