Không chỉ xả rác ra môi trường thiên nhiên dưới mặt đất, chúng ta còn để lại đầy rẫy “dấu ấn của thế giới văn minh” bên ngoài vũ trụ. Theo ước tính của các nhà khoa học, hiện có khoảng 34.000 vật thể nhân tạo đường kính hơn 10cm đang quay quanh Trái đất với vận tốc gấp 10 lần tốc độ của một viên đạn.
Đây có thể là các vệ tinh đang hoạt động cũng như đã hỏng hóc, ngừng hoạt động, và vô số mảnh vỡ của các tên lửa cũ đã từng được sử dụng trong những chuyến thám hiểm không gian suốt hơn nửa thế kỷ qua của con người. Nếu một trong số chúng va phải tàu vũ trụ hay các trạm nghiên cứu ngoài không gian, thiệt hại có thể rất thảm khốc.
Đêm ngày 24/10 vừa qua, các chuyên gia vận hành Trạm Vũ trụ Quốc tế đã có một phen “toát mồ hôi” khi nhận thấy một đám rác vũ trụ, được cho là từ vệ tinh đã ngừng hoạt động của Nga, xuất hiện gần hơn dự kiến và có nguy cơ va chạm với hệ thống gương chiếu của trạm. Các động cơ đẩy của ISS đã lập tức được kích hoạt tăng công suất để tránh tai nạn.
“Các hệ thống động cơ đẩy Progress 81 của ISS đã phải “khai hỏa” trong 5 phút 5 giây nhằm thay đổi quỹ đạo của trạm, tránh một vụ va chạm với các mảnh vỡ được xác định trước (PDAM). Điều tra sơ bộ cho thấy đây nhiều khả năng là mảnh vỡ của tàu vũ trụ Nga Kosmos-1408”, NASA cho biết trong một thông cáo báo chí.
Kosmos-1408 là vệ tinh tình báo tín hiệu điện tử do Liên Xô vận hành. Nó được phóng lên quỹ đạo thấp của Trái đất vào ngày 16 tháng 9 năm 1982 lúc 14:55 UTC, thay thế cho người tiền nhiệm Kosmos-1378. Kosmos-1408 hoạt động trong khoảng hai năm trước khi “về hưu” và rời khỏi quỹ đạo.
Năm 2021, chính phủ Nga đã quyết định dùng Kosmos-1408 làm mục tiêu cho một vụ thử bắn hạ vệ tinh trong không gian bằng tên lửa phóng từ mặt đất. Thử nghiệm diễn ra thành công và vụ nổ đã tạo ra khoảng 1.500 mảnh vỡ trong không gian. Thời điểm đó, nhiều quốc gia đã lên án vụ thử tên lửa chống vệ tinh, gọi đây là "một hành động liều lĩnh và nguy hiểm".
Trong vài năm trở lại đây, Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đã liên tục phải thay đổi tốc độ cũng như quỹ đạo để né các mảnh vỡ không xác định trôi nổi ngoài không gian, và những tình huống như vậy có thể sẽ xảy ra thường xuyên hơn trong tương lai khi lượng rác thải vũ trụ không ngừng tăng lên nhanh chóng.