Nga tuyên bố rời Trạm vũ trụ quốc tế, tự xây dựng trạm riêng

Nga sẽ chính thức rút mọi hoạt động khỏi Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) sau năm 2024. Đây là tuyên bố mới được Tổng Giám đốc Cơ quan Hàng không vũ trụ Nga (Roscosmos), Yury Borisov, đưa ra ngày 26/7. Đồng thời phía Nga cũng cam kết sẽ hoàn thành nghĩa vụ của mình với các đối tác trước khi rời đi.

Tuy không chính thức nói ra, nhưng người đứng đầu Roscosmos ám chỉ quyết định này là hệ quả tất yếu sau hàng loạt căng thẳng gia tăng giữa Nga với các nước phương Tây thời gian qua. Giới quan sát cũng cho rằng việc duy trì sự hiện diện trên trạm ISS không còn hiệu quả đối với Nga trong môi trường địa chính trị hiện nay.

Ngoài ra, còn có một lý do khác không kém phần quan trọng giải thích cho sự rút lui có phần đáng tiếc của một cường quốc khoa học vũ trụ như Nga khỏi ISS, đó là việc quốc gia này cũng sẽ bắt đầu xây dựng trạm không gian của riêng mình. Đây sẽ là chương trình thuộc diện "ưu tiên" của Matxcơva trong lĩnh vực nghiên cứu không gian. Nga không lạ gì việc duy trì một trạm vũ trụ của riêng mình. Tuy nhiên việc xây dựng một “tiền đồn không gian” hoàn toàn mới chắc chắn là một nỗ lực rất tốn kém. Không rõ liệu Nga có thể ưu tiên xây dựng một trạm vũ trụ hay không, đặc biệt là sau khi đang phải tiêu tốn nguồn lực đáng kể cho cuộc chiến tại Ukraine.

Trạm vũ trụ quốc tế

Để thực hiện nghĩa vụ của mình, các phi hành gia Nga sẽ ở lại trên ISS trong ít nhất hai năm rưỡi tới. Tình cờ là NASA và Roscosmos gần đây cũng đã ký một thỏa thuận hoán đổi chỗ ngồi trên các chuyến bay đến ISS bắt đầu từ tháng 9. Phía Nga khẳng định sẽ tuân thủ các thỏa thuận trong hợp đồng. Theo đó, các phi hành gia NASA (và hàng hóa) sẽ có thể lên ISS trên các chuyến bay Soyuz của Nga. Mặt khác, các phi hành gia Nga sẽ thực hiện nhiệm vụ với SpaceX Crew Dragon.

ISS được phóng vào không gian vào năm 1998 nhờ sự hợp tác của các cơ quan vũ trụ Nga, Mỹ, Nhật Bản, Canada và châu Âu. Theo các thỏa thuận trước đây giữa NASA và Roscosmos, ít nhất một phi hành gia người Mỹ và một phi hành gia người Nga phải luôn có mặt trên ISS để đảm bảo mọi thứ hoạt động trơn tru. Cả hai nước đều có chuyên gia hoạt động tích cực ở hai đầu đối diện của trạm kể từ tháng 11 năm 2000.

Thứ Tư, 27/07/2022 06:40
53 👨 316
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ