2 tập đoàn công nghệ - viễn thông lớn nhất Trung Quốc Huawei và China Mobile vừa đưa ra thông báo cho biết đã xây dựng thành công và hoàn tất quy trình nghiệm thu đối với 3 trạm thu phát sóng 5G đặt tại các trạm nghỉ chân nằm ở độ cao 5300m (Base Camp), 5800m (Transition Camp) và 6500m (Forward Camp) trên dãy núi Himalaya vào ngày 19/4 vừa qua, mang tốc độ truy cập Internet không dây 1 gigabit/giây lên một trong những dãy núi cao nhất thế giới.
Khi bước vào hoạt động chính thức, các trạm viễn thông hiện đại này sẽ đủ sức phủ sóng 5G tới tận đỉnh Everest - đỉnh núi cao nhất thế giới. Trên thực tế, Trung Quốc và Nepal có đường biên giới dài khoảng 1414km và cắt ngang đỉnh Everest.
Quá trình xây dựng các trạm thu phát 5G này đương nhiên không hề đơn giản. China Mobile cho biết họ cần tới tổng cộng 150 nhân sự đảm trách việc xây dựng và bảo trì trạm thu phát 5G, cùng 25km dây cáp quang mới đã được sử dụng để phục vụ dự án.
Ngoài ra, để có thể làm việc trên các khu vực cao hơn 5000m so với mực nước biển cùng khí hậu vô cùng khắc nghiệt, đội ngũ nhân sự tham gia dự án đã phải hoàn thành các khóa huấn luyện đặc biệt về năng lực thể chất. Cùng với đó, việc vận chuyển trang thiết bị cần thiết lên các khu vực xây dựng với địa hình hiểm trở cũng là một thách thức lớn, nhưng tất cả đã đều đã được vượt qua.
Tất cả các trạm thu phát 5G này đều sử dụng giải pháp kỹ thuật của Huawei, và khi được đưa vào khai thác, nó có thể cung cấp vùng phủ sóng với độ ổn định cao cho người dân bản địa cũng như hàng ngàn nhà leo núi chinh phục đỉnh Everest mỗi năm. Chẳng hạn tại Base Camp, trạm 5G của China Mobile có cung cấp tốc độ download đạt 1,66Gbps và tốc độ upload là 215Mbps.
Để giữ cho kết nối được ổn định và liên tục, các chuyên gia mạng cũng như kỹ thuật viên bảo trì sẽ được bố trí 24/7 ở các khu vực có độ cao từ 5300m trở lên. Điều này cho phép họ dễ dàng tiếp cận, khắc phục mọi sự cố và đảm bảo hoạt động mạng trơn tru.
Dự án xây dựng trạm 5G trên dãy Himalaya được thúc đẩy trong bối cảnh các quốc gia doanh nghiệp viễn thông Trung Quốc, đặc biệt là Huawei đang gặp khó tại các thị trường nước ngoài trước những chính sách cứng rắn của các quốc gia phương Tây. Đồng thời thể hiện tham vọng phủ sóng 5G trên phạm vi toàn lãnh thổ của Trung Quốc.
Trạm phát sóng 5G cao nhất thế giới này đi vào hoạt động trong tình hình tin giả lan truyền cho rằng 5G làm phát tán virus corona. Nhiều người dân phương Tây tin điều đó khiến phong trào đốt trạm phát sóng 5G diễn ra ở nhiều nước châu Âu đe dọa đến các dịch vụ liên lạc khẩn cấp trong mùa dịch.