“Siêu Kính viễn vọng Không gian” đắt giá nhất thế giới - James Webb - vừa tiếp tục chứng minh tầm quan trọng tuyệt đối trong lĩnh vực nghiên cứu thiên văn khi gửi về Trái đất bức ảnh tuyệt đẹp và cực kỳ chi tiết, cho thấy sự hùng vĩ của tinh vân Orion. Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đã chia sẻ một phiên bản của bức ảnh với độ phân giải cực cao mà bạn có thể phóng to để xem chi tiết về đám mây bụi và khí tuyệt đẹp, vốn là tập hợp của vô số khu vực hình thành sao nơi các ngôi sao mới được sinh ra.
Hình ảnh với độ phân giải đầy đủ hiện có thể được truy cập thông qua ứng dụng ESASky. Trong đó, bạn có thể phóng to các hình ảnh so sánh của cùng một mục tiêu được chụp ở các bước sóng khác nhau. Ngoài ra còn có một phiên bản hình ảnh kích thước rất lớn mà bạn có thể download về thiết bị của mình nếu muốn.
Còn được biết đến với tên gọi Messier 42, tinh vân Orion (Tinh văn Lạp Hộ) nằm ngay phía nam vành đai chòm sao Orion, được nhà thiên văn học người Pháp Nicolas-Claude Fabri de Peiresc phát hiện năm 1610. Orion là một trong những tinh vân sáng nhất trên bầu trời, có thể nhìn thấy bằng mắt thường nhờ cấp sao biểu kiến 4. Đặc điểm này khiến nó trở thành mục tiêu ưa thích của các nhà khoa học nghiên cứu sự hình thành sao.
Khi những ngôi sao mới ra đời, còn trẻ và rất nóng, sẽ phát ra bức xạ cực tím làm chiếu sáng các đám mây bụi và khí xung quanh chúng. Ở trung tâm của tinh vân này là một nhóm sao được gọi là Cụm hình thang (Trapezium Cluster), chúng còn trẻ và sáng, một số ngôi sao trong đó có khối lượng gấp 30 lần khối lượng mặt trời của chúng ta.
Tinh vân Lạp Hộ là một trong những vật thể được quan sát và chụp ảnh nhiều nhất trên bầu trời, và cũng là một trong những thiên thể được nghiên cứu nhiều nhất.