Microsoft liệt kê nhiều tính năng bảo mật và quyền riêng tư, người dùng Teams cần lưu ý

Trước sự lây lan của dịch COVID-19, nhiều tổ chức, doanh nghiệp cơ sở giáo dục tại nhiều quốc gia buộc phải đóng cửa cho nhân viên làm việc tại nhà, nhu cầu sử dụng các dịch vụ nhắn tin, hội nghị trực tuyến như Zoom, Teams, Skype... cũng vì thế mà tăng “chóng mặt”. Tuy nhiên sự gia tăng đột ngột này đã kéo theo nhiều hệ quả không mong muốn, nổi bật trong số đó là các vấn đề về bảo mật và quyền riêng tư.

Trong hơn 1 tuần qua, những bê bối bảo mật - quyền riêng tư của ứng dụng Zoom đã gần như trở thành chủ đề được bàn tán sôi nổi nhất trên các diễn đàn công nghệ toàn cầu. Những vấn đề rắc rối gặp phải với Zoom khiến nhiều người hoài nghi về mức độ an toàn của các dịch vụ hội nghị trực tuyến nói chung.

Để đảm bảo lượng người dùng khổng lồ an tâm khi sử dụng dịch vụ của mình, Microsoft mới đây liệt kê một loạt tính năng bảo mật và quyền riêng tư mà người dùng Teams cần lưu ý, đồng thời nêu bật cách tiếp cận của công ty đối với vấn đề đang rất được quan tâm này.

Microsoft Teams

Các tính năng kiểm soát quyền riêng tư và bảo mật có sẵn trong Microsoft Teams:

  • Các tùy chọn thiết lập cuộc họp (Meeting options): Với các tùy chọn này, bạn có thể quyết định xem ai từ bên ngoài tổ chức của mình có thể tham gia trực tiếp vào các cuộc họp, cũng như những đối tượng cần phải xét duyệt. Người gọi PSTN sẽ tham gia qua sảnh chờ. Ngoài ra người tổ chức cũng có thể đề nghị một cá nhân rời khỏi cuộc họp.
  • Vai trò trong một cuộc họp: Người tổ chức cuộc họp có thể sắp xếp, chỉ định vai trò của các thành viên trong một cuộc họp, chẳng hạn như chỉ định “người thuyết trình” và “người tham dự”. Cũng như kiểm soát những người được phép trình bày nội dung trong cuộc họp.
  • Ghi âm cuộc họp với sự đồng ý của người tham dự: Trước khi tính năng ghi âm cuộc họp được kích hoạt, toàn bộ thành viên tham gia đều sẽ nhận được thông báo. Người tổ chức cuộc họp có quyền kiểm soát những người được phép kích hoạt tính năng ghi âm cuộc họp.
  • Quyền truy cập bản ghi âm cuộc họp: Quyền truy cập ghi âm cuộc họp được giới hạn ở những người tham dự hoặc được mời tham dự, trừ khi người tổ chức cuộc họp ủy quyền cho người khác truy cập vào bản ghi âm. Các bản ghi âm sẽ được tải lên Microsoft Stream và có thể được chia sẻ cũng như download theo các quyền được kích hoạt bởi quản trị viên tài khoản.
  • Kiểm duyệt và kiểm soát kênh: Chủ sở hữu kênh có thể kiểm duyệt cuộc hội thoại và những đối tượng được phép hoặc không được phép chia sẻ nội dung trong các cuộc hội thoại của mình.
  • Nội quy giao tiếp: Cho phép các tổ chức thúc đẩy văn hóa hòa nhập và môi trường văn minh bằng cách xác định và ngăn chặn mọi hành vi tiêu cực như quấy rối, xúc phạm…

Ngoài các biện pháp kiểm soát trên, Microsoft còn cung cấp một số cam kết bảo mật như sau:

  • Không sử dụng dữ liệu của người dùng để phục vụ quảng cáo.
  • Không theo dõi hoạt động của người dùng trong các cuộc họp.
  • Dữ liệu của người dùng sẽ bị xóa ngay sau khi chấm dứt hoặc hết hạn đăng ký.
  • Thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để đảm bảo quyền truy cập vào dữ liệu của người dùng bị hạn chế tối đa. Đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước đối với dữ liệu.
  • Bạn có thể truy cập dữ liệu của mình bất cứ lúc nào và với bất kể lý do gì.

>> Hướng dẫn sử dụng Microsoft Teams học trực tuyến từ xa

Thứ Ba, 07/04/2020 14:29
31 👨 1.044
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ