Tàu vũ trụ Nga "tiếp tế" thành công 3 tấn hàng hóa cho trạm ISS chỉ trong 3 giờ

Vào lúc 1h51 ngày 25-4 theo giờ GMT, tên lửa Soyuz mang theo tàu vũ trụ vận tải Progress 75 đã được phóng thành công từ sân bay vũ trụ Baikonur Cosmodrom ở Kazakhstan. Chỉ mất 3 giờ 20 phút sau đó, Progress 75 đã kết nối thành công với Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), hoàn thành xuất sắc sứ mệnh tiếp tế 2,7 tấn nhiên liệu, thực phẩm và các vật tư cần thiết khác cho Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) trong khoảng thời gian kỷ lục. Đây là con tàu chở hàng thứ tư, bay đến ISS theo sơ đồ siêu ngắn, đồng thời cũng là tàu vũ trụ nhanh nhất trong lịch sử các chuyến bay lên ISS.

Hiện tại, Progress 75 đang neo đậu tại ISS ở vị trí độ cao 260 dặm (418 km) về phía tây bắc Trung Quốc, và sẽ ở lại đó cho đến tháng 12. Số vật tư mà con tàu này mang lên đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì hoạt động của ISS thời gian tới, bao gồm 420 lít nước, 46kg oxy, 650kg nhiên liệu 46kg khí đốt và 1.350kg thực phẩm, thuốc, vật liệu vệ sinh, và các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu thiết yếu khác.

Trạm vũ trụ quốc tế (ISS)
Trạm vũ trụ quốc tế (ISS)

ISS là một trong số ít công trình hợp tác toàn diện mang tính chiến lược giữa các quốc gia đi đầu trong lĩnh lực hàng không vũ trụ. Trạm vũ trụ này đã bay quanh Trái đất từ năm 1998 đến nay với vận tốc khoảng 28.000km/h. Trạm ISS có thể duy trì tối đa 9 nhà khoa học, tuy nhiên thường chỉ có 3 phi hành gia hiện diện trên trạm vũ trụ này, hiện tại là các nhà khoa học: Chris Cassidy (người Mỹ), Ivan Vagner (người Nga) và Anatoly Ivanishin (người Nga). Tuy nhiên trong vòng 1 tháng nữa, 2 nhà khoa học khác là Bob Behnken và Doug Hurley (đều là người Mỹ) sẽ gia nhập đội ngũ ISS trên chuyến bay có người lái sắp được triển khai của SpaceX vào tháng 5 tới đây.

Sau khi hoàn thành mọi công việc cho đến tháng 12 năm nay, Progress 75 sẽ được tháo gỡ khỏi ISS và bay trở về trái đất. Chuyến tiếp tế hàng hóa trước đó được thực hiện vào ngày 6/12/2019, và phải mất tới 3 ngày để tàu vũ trụ có thể kết nối thành công với ISS.

Thứ Năm, 30/04/2020 22:49
52 👨 621
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ