Cách đây đúng 3 năm, tỷ phú Elon Musk đã chính thức giới thiệu một dự án khởi nghiệp đầy tham vọng có tên Neuralink, tập trung phát triển công nghệ kết nối não người trực tiếp với máy tính, cho phép tải lên hoặc tải xuống các ý tưởng, dữ liệu và thông tin chỉ thông qua suy nghĩ, cũng như hỗ trợ chữa trị các bệnh lý về thần kinh bao gồm hội chứng mất trí nhớ Alzheimer, bệnh sa sút trí tuệ và tổn thương dây thần kinh. Về cơ bản, mục tiêu cuối cùng của dự án này là kết nối bộ não con người với trí tuệ nhân tạo (AI).
Ngày 28/8 vừa qua, Neuralink đã lần đầu tiên đăng tải một đoạn video livestream trên YouTube nói về một chú lợn có tên Gertrude đã được gắn hệ thống do công ty phát triển để ghi lại các tín hiệu liên kết từ vùng vỏ não đến mõm của con vật, cách đây hai tháng. Mõm là một trong những khu vực nhạy cảm nhất của loài lợn, với hàng triệu tế bào cảm nhận giác quan, sử dụng hệ thống Neuralink để thu thập tín hiệu thần kinh từ não bộ của con vật đến khu vực nhạy cảm này sẽ cho phép đánh giá chính xác hiệu quả hoạt động thực tế của con chip điện cực khi được cấy vào não.
Kết quả thực tế cho thấy mỗi khi mõm của Gertrude chuyển động hay chạm vào một vật thể nào đó, lập tức có hàng loạt tín hiệu thông báo được hiển thị trên màn hình, cho thấy các tế bào thần kinh đang hoạt động và được hệ thống Neuralink ghi nhận theo thời gian thực.
Đáng chú ý, lần thử nghiệm này cho thấy thiết kế của hệ thống Neuralink đã có sự thay đổi đáng kể so với khi được công bố lần đầu tiên vào năm ngoái, giúp thiết bị trở nên nhỏ gọn và khó nhìn thấy hơn. Cụ thể, Neuralink hiện có dạng đồng xu, đặt nằm ngang với hộp sọ, thay vì có kiểu mô-đun nhỏ nằm gần tai như trước đây. Tất nhiên hệ thống vẫn có thể ghép nối với một ứng dụng điện thoại thông minh qua Bluetooth Low Energy.
Kết quả thử nghiệm cấy ghép Neuralink trên chú lợn Gertrude cho thấy sự xuất hiện của hệ thống này hoàn toàn không gây ra bất cứ ảnh hưởng tiêu cực hay tác dụng phụ nguy hiểm nào đối với con vật. "Gertrude vẫn khỏe mạnh, hạnh phúc và không khác gì một con heo bình thường", Elon Musk tiết lộ.
Dẫu vậy, hệ thống vẫn sẽ còn phải trải qua nhiều quy trình đánh giá chuyên sâu khác trước khi được cấp phép thử nghiệm trên người. Neuralink sẽ phải liên tục báo cáo kết quả thí nghiệm và nhận phản hồi từ các cơ quan quản lý như Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) trong suốt quá trình phát triển. Hiện đội ngũ nghiên cứu của Neuralink có khoảng 100 người, và Elon Musk vẫn đang tích cực chiêu mộ thêm các thành viên mới có năng lực trong các lĩnh vực AI, robot, điện và phần mềm.
Phạm vi hoạt động của Neuralink hiện vẫn giới hạn ở bề mặt não, chủ yếu tác động đến hệ thống thần kinh điều khiển chuyển động, thị giác và thính giác, chưa thể xâm nhập vào các vùng sâu hơn trong não.
Hiện tại, có hai vấn đề chính mà giới chuyên gia lo ngại đối với Neuralink. Thứ nhất là độ bền của hệ thống và quan trọng hơn là những ảnh hưởng có thể có khi chip điện cực được cấy ghép vào vỏ não. Việc làm thế nào để đảm bảo thiết bị có thể tồn tại hàng thập kỷ trong môi trường ăn mòn như não bộ thực sự là một thách thức khó khăn với các chuyên gia Neuralink.
Tuy nhiên, tham vọng của Elon Musk là rất lớn, và ông sẽ làm tất cả để dự án này có thể được ứng dụng trong thực tế. Theo nhận định của giới chuyên gia khoa học thần kinh quốc tế, Neuralink đã đạt được những tiến bộ nhất định kể từ cuộc thử nghiệm ban đầu vào tháng 7/2019. Dự án này hoàn toàn có thể trở thành hiện thực nếu tiếp tục được đầu tư bài bản và đúng hướng như hiện nay.
Dù thế kết quả thực tế có thế nào đi chăng nữa, những ý tưởng sáng tạo, dám nghĩ dám làm như của Elon Musk và các cộng sự vẫn luôn xứng đáng nhận được những lời khen ngợi. Tất cả vì một cuộc sống tốt đẹp hơn!