Thiếu nhân lực TMĐT, doanh nghiệp khó ra "biển lớn"

Nhiều DN trong nước đang tìm kiếm cơ hội tiếp cận khách hàng quốc tế thông qua thương mại điện tử (TMĐT), tuy nhiên họ lại thiếu nhân lực để có thể giao dịch với những đối tác nước ngoài dày dạn kinh nghiệm.

Doanh nghiệp vẫn "khát" nhân lực TMĐT

Theo nhận định của ông Vincent Wong, GĐ điều hành Cấp cao Bộ phận Phát triển kinh doanh và Dịch vụ người mua thuộc Tập đoàn Alibaba.com, các DN Việt Nam đang ngày càng chủ động tìm kiếm cơ hội tiếp cận khách hàng quốc tế thông qua TMĐT. Để chuẩn bị cho việc khai thác kênh xúc tiến bán hàng tiềm năng này, các DN liên tục tìm kiếm nhân sự phù hợp có kiến thức và kỹ năng kinh doanh trực tuyến để giao dịch với đối tác nước ngoài.

Thiếu nhân lực TMĐT, doanh nghiệp khó ra "biển lớn"

Thống kê của VietnamWorks.com cho thấy, nhu cầu tuyển dụng của ngành Internet/Online Media trong 3 năm 2009-2011 đạt mức 2,04%. Đến tháng 5/2012, nhu cầu tuyển dụng của ngành này chiếm gần 4,9% trong tổng số nhu cầu trên VietnamWorks.com. Theo Bộ KH&ĐT, tính đến tháng 5/2012, cả nước có khoảng 468.300 DN đang hoạt động; và trong "Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2011-2015" Việt Nam đặt ra mục tiêu 80% DN có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm (tức là mỗi DN cần ít nhất 1 kỹ thuật viên TMĐT) thì tổng số kỹ thuật viên cần có đến năm 2015 lên tới 374.640 người.

Thế nhưng, các DN cho hay, mức cung hiện nay không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường tuyển dụng. Dù Việt Nam có nguồn lao động trẻ dồi dào nhưng phần lớn chưa qua trường lớp đào tạo bài bản về kiến thức và kỹ năng hoạt động TMĐT. Hệ quả là chất lượng nguồn nhân lực vẫn là mối quan tâm hàng đầu với nhà tuyển dụng, đặc biệt ở vị trí chuyên về TMĐT hay marketing trực tuyến quốc tế.

"Cọ xát" với kênh TMĐT quốc tế: Hướng đào tạo hiệu quả

Nhiều DN đã giải quyết bài toán trên bằng cách bố trí nhân lực kiêm nhiệm, tuyển dụng nhân sự am hiểu TMĐT hoặc cử những cán bộ hiện có đi đào tạo bổ sung kiến thức về ứng dụng TMĐT. Đây chỉ là các giải pháp trước mắt, về dài hạn vẫn rất cần có sự hỗ trợ của các đơn vị liên quan.

Một số Sở Công thương đã đề ra kế hoạch 5 năm phát triển nguồn nhân lực TMĐT với nhiều hoạt động dành cho DN như đầu tư trang thiết bị, phần mềm, tuyên truyền, đào tạo, tổ chức học hỏi kinh nghiệm thực tế...Nhiều cơ sở đào tạo cũng lựa chọn hình thức đưa sinh viên đi học hỏi tại những DN là thành viên của những trang TMĐT.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Sỹ Dũng - Trưởng khoa TMĐT, Trường Đào tạo, Bồi dưỡng Cán bộ Công thương Trung ương chia sẻ: "Sinh viên ra trường có kỹ năng về TMĐT nhưng kiến thức, kinh nghiệm về giao thương hay trình độ ngoại ngữ còn yếu. Nhằm nâng cao chất lượng đầu ra của sinh viên, hàng năm chúng tôi đều cử sinh viên thực tập tại các DN là thành viên của những sàn TMĐT quốc tế như Alibaba.com trong 2 tháng để làm quen với môi trường giao thương thực tế cũng như tích lũy kinh nghiệm".

Ông Trần Đình Toản, Phó TGĐ Công ty OSB - Đại lý ủy quyền chính thức của Alibaba.com tại Việt Nam cho biết: "Hàng tháng, công ty OSB đều tổ chức những chương trình đào tạo, tư vấn trực tiếp và trực tuyến cho các DN xuất khẩu trên cả nước. Các hoạt động này đã giúp DN xuất khẩu Việt Nam đẩy mạnh việc tiếp cận kênh xuất khẩu trực tuyến".

Thứ Ba, 22/05/2012 09:21
35 👨 529
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp