Chuột máy tính là thiết bị ngoại vi quen thuộc với bất kỳ người dùng nào nhưng liệu có bao giờ bạn thắc mắc, tại sao chuột máy tính lại được gọi là “chuột” mà không phải bất kỳ loài vật nào khác?
Để có đáp án của thắc mắc này, chúng ta hãy cùng ngược dòng thời gian về lại thời điểm con chuột máy tính đầu tiên ra đời. Đó là năm 1964, khi Douglas Engelbart và William English tại Viện nghiên cứu Stanford (SRI) sáng chế ra một thiết bị ngoại vi giúp người dùng có thể tương tác trực tiếp với máy tính. Khi đó, hệ điều hành trên máy tính có giao diện khá đơn giản. Người dùng sẽ phải gõ câu lệnh bằng bàn phím để thực hiện các tác vụ.
Douglas Engelbart đã nảy ra ý tưởng về một thiết bị điều khiển máy tính mới và dựa trên ý tưởng đó, William English đã phát triển một thiết bị được gọi là "thiết bị định hướng vị trí X-Y trên màn hình". Ngoại hình và kích thước của nó khá giống một con chuột thật. Thiết bị này có phần thân là một chiếc hộp gỗ thông với 2 bánh lăn bên dưới để di chuyển trên bề mặt, bên trong chứa các thiết bị điện tử và các nút bấm. Thiết bị được kết nối với máy tính thông qua một sợi dây, đặt ở phía hướng về cánh tay người dùng. Nhưng do kiểu đặt dây chuột này khiến nó có thể vướng vào cổ tay người dùng nên Douglas Engelbart và William English đổi lại như ngày nay.
Khi được hỏi ai đã đặt tên cho thiết bị này, Doug Engelbart cho biết, không ai có thể nhớ được điều này. Khi đó, thiết bị này trông giống như một con chuột có đuôi, và tất cả mọi người đều gọi nó như vậy
Cái tên “chuột” được giới thiệu lần đầu với công chúng vào năm 1965 và dần trở nên phổ biến khi các mẫu máy tính gia đình phát triển.
Vào năm 1971, William English đã phát minh ra chuột bi, phần bánh lăn bên dưới chuột được thay bằng một viên bi giúp cho việc di chuyển của chuột dễ dàng hơn. Đến năm 1981, giao diện người dùng ra đời, chuột máy tính mới phát huy được sức mạnh vượt trội của mình.