Theo các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ, công nghệ smartphone có thể tạo ra một “cuộc cách mạng” trong việc điều trị bệnh tim.
Nghiên cứu này được chủ trì bởi Phòng thí nghiệm Mạch truyền thông và Hệ thống nhúng của Trường Đại học Bách khoa kỹ thuật (Ecole Polytechnique Federale de Lausanne - EPFL) tại Thụy Sĩ.
Hệ thống này bao gồm một màn hình nhỏ, nhẹ như màn hình smartphone, nối với 4 điện cực cảm biến được gắn vào cơ thể người bệnh. Các điện cực này liên kết với một thiết bị nhỏ có bộ phận phát thanh và chip máy tính kẹp trên thắt lưng của bệnh nhân.
Dữ liệu sẽ được đưa tới điện thoại thông minh của người sử dụng, giúp người dùng có thể theo dõi bệnh tình của mình trong suốt hơn 150 giờ (cho một lần sạc pin).
Thiết bị theo dõi tim của các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ
Ông David Atienza, người đứng đầu Phòng thí nghiệm nói: “Có nhiều vấn đề về tim mà các bác sĩ không kịp phát hiện”. "Thiết bị này sẽ giúp họ dự đoán tình hình bệnh nhân".
Ông Atienza cho biết, công cụ tự điều trị này không chỉ tự động nhận dạng các bất thường trong nhịp tim, mà còn có thể báo cho các bác sĩ chỉ trong vài giây, giúp việc điều trị kịp thời hơn.
Các thuật toán phức tạp sẽ ghi lại bất cứ chi tiết bất thường nào thông qua một tập tin văn bản hoặc email đính kèm hình ảnh. Và những dữ liệu này sẽ được gửi đến các bác sĩ gần như ngay lập tức.
"Hệ thống này rất chính xác và đáng tin cậy" - Atienza nói. "Nhưng trên tất cả, nó cung cấp một bản phân tích tự động và truyền dữ liệu đến bác sĩ một cách nhanh chóng nhất, tránh cho họ phải theo dõi và ghi chép thủ công trong nhiều giờ liền".
Ông Atienza nói thêm, phải mất bốn năm để phát triển và tạo bước nhảy vọt, phát triển từ màn hình Holter (loại màn hình y tế chuyên dùng để theo dõi các chỉ số tim mạch) cồng kềnh sang màn hình nhỏ của điện thoại thông minh.
Chuyên gia Etienne Pruvot từ Bộ phận chăm sóc tim mạch Bệnh viện Đại học Lausanne - một trong hai bệnh viện giúp đỡ Atienza và nhóm của ông – tỏ ra hào hứng với thiết bị này.
"Nó có kích cỡ nhỏ gọn, nhẹ nhàng, dễ sử dụng, hoạt động liên tục và có thể phát tín hiệu từ xa, giúp các bác sĩ có thể biết tình trạng bệnh nhân ở bất cứ nơi nào. Điều này thật tuyệt vời!" – ông Pruvot nói.
Nghiên cứu của EPFL là một phần trong dự án lớn "Các thiên thần giám hộ vì một cuộc sống tiên tiến hơn" (Guardian Angels for a Smarter Life). Quy mô dự án trải rộng trên toàn châu Âu, với sự tham gia của nhiều trường đại học, viện nghiên cứu và các công ty tư nhân. Mục đích của dự án này là áp dụng các thiết bị công nghệ nhỏ, tự động với giá cả phải chăng để theo dõi sức khỏe và phòng ngừa tai nạn cho mọi người.
Peter J. Bentley - một nhà khoa học về máy tính từ Đại học London (Vương quốc Anh) đồng thời là nhà phát minh ứng dụng iStethescope (biến iPhone thành một thiết bị theo dõi và chẩn đoán bệnh tật) - cho biết: sự phát triển của thế giới công nghệ đã thúc đẩy ngày càng nhiều các nghiên cứu nhằm đưa tiến bộ kỹ thuật vào giúp ích cho việc chăm sóc sức khỏe con người.
Ông Bentley nói thêm, nhiều bác sĩ đã sử dụng các ứng dụng điện thoại thông minh vào điều trị bệnh, nhưng Cục Quản lý dược và Thực phẩm Mỹ (FDA) cùng các nhà lập pháp châu Âu đã đề cập đến việc kiểm nghiệm và quản lý các thiết bị này một cách chính thống.
“Ở một số khía cạnh, điều này là tốt vì nó sẽ đảm bảo thiết bị được pháp lý công nhận”. "Tuy nhiên, nó sẽ làm chậm sự đổi mới trong phương thức theo dõi và điều trị bệnh" - ông nói.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính mỗi năm có 17 triệu người chết vì bệnh tim mạch trên toàn cầu. Một phần trong số các ca tử vong bắt nguồn từ nguyên nhân người bệnh không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.
"Ưu điểm của loại thiết bị này là bạn có thể theo dõi bệnh nhân 24 giờ một ngày, bảy ngày một tuần," Atienza nói.
Điều này không chỉ làm cho cuộc sống của bệnh nhân tim mạch trở nên đơn giản hơn (do ít phải đến bệnh viện) mà còn giúp tiết kiệm chi phí cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Ông Atienza tin rằng, trong tương lai, thiết bị của mình có thể được phát triển để phục vụ các mục đích tương tự như: theo dõi hiệu suất tập luyện thể thao, đánh giá chế độ ăn uống và hoạt động thể chất ở những bệnh nhân béo phì.v.v..