Khi nhắc đến công nghệ, chúng ta thường liên tưởng đến một lĩnh vực có tốc độ phát triển như vũ bão, nơi mà mọi sự trần trừ trong việc thay đổi đều có thể khiến những tượng đài cũng phải sụp đổ. Nhưng đôi khi, vì lý do nào đó, một số tiện ích nhất định trong thế giới công nghệ vẫn đứng vững trước thử thách của thời gian và về cơ bản vẫn duy trì được sự thành công dù chẳng có bất cứ thay đổi hay sáng tạo đột phá. Cùng điểm qua 5 sản phẩm công nghệ có thiết kế mang tính biểu tượng đã không thay đổi trong nhiều thập kỷ qua.
1. Bố cục bàn phím
Bàn phím có hai loại bố cục—chức năng và vật lý. Bố cục chức năng chỉ đơn giản là cách sắp xếp các phím gõ, chẳng hạn như bố cục bàn phím QWERTY. Bố cục vật lý là bố cục tổng thể của bàn phím, không chỉ bao gồm các phím chữ và số mà, còn cả những phím chức năng như Caps Lock, Shift, v.v.
Trong thế giới PC, bàn phím hiện đại về cơ bản vẫn không thay đổi về bố cục cốt lõi so với thời điểm nó được phát minh ra. Nếu bạn ngồi trước một chiếc PC IBM nguyên bản từ những năm 80, ít nhiều bạn sẽ biết cách sử dụng bàn phím của nó mà không cần mất quá nhiều thời gian học hỏi. Ngay cả bàn phím ảo trên màn hình cảm ứng cũng lấy gần như y nguyên thiết kế từ bàn phím vật lý thông thường.
2. Đầu nối Ethernet
Đầu nối Ethernet mà tất cả chúng ta đều biết và sử dụng ngày nay đã bắt đầu xuất hiện trong thế giới điện thoại hàng chục năm trước. Đó là lý do tại sao nó trông rất giống với đầu nối của đường dây điện thoại. Đầu nối điện thoại được gọi là RJ11, trong khi đầu nối Ethernet có tên RJ45 - mặc dù về mặt kỹ thuật, chúng không phải là RJ45 "thực sự".
Bất chấp những tiến bộ vượt bậc về tốc độ Ethernet, với băng thông liên tục tăng theo cấp số nhân qua từng thế hệ, bản thân các loại đầu nối internet trên thực tế hầu như không thay đổi và (phần lớn) tương thích ngược. Điều này có nghĩa là bạn sẽ tìm thấy đầu nối Ethernet RJ45 trên mọi thứ từ cáp 10BASE-T 10Mbps từ đầu những năm 90 cho đến cáp Ethernet Loại 8 hiện đại hỗ trợ tốc độ lên tới 40Gbps, tức là nhanh gấp 4.000 lần! Có thể liên tưởng đến việc một chiếc siêu xe hiện đại vẫn sử dụng loại lốp được ra mắt cùng với loại xe hơi cổ Ford Model-T ra mắt cách đây cả thế kỷ!
3. Củ sạc dạng gạch của Apple
Nếu bạn sở hữu một chiếc máy tính xách tay Apple, hãy ngó nhìn củ sạc đi kèm của máy. Liệu nó trông lạc hậu không? Chắc là không đâu - mặc dù nó đã được tạo ra hơn 20 năm trước!
Cho đến cuối những năm 1990, sạc laptop của Apple chỉ khác biệt với sạc của các nhà sản xuất khác ở chỗ có rãnh để quấn dây xung quanh. Công ty đã có một cuộc thử nghiệm ngắn từ năm 1999 đến năm 2001 với thiết kế gọi là "puck" hay "yoyo". Đó là một cục sạc dạng viên gạch với các góc bo tròn mang tính biểu tượng và bền bỉ với thời gian.
Vào tháng 1 năm 2001, mẫu PowerBook G4 ra mắt bộ sạc "cục gạch trắng - white brick". Ở thời điểm đó, củ sạc đi kèm với dây không thể tháo rời với đầu nối dạng thùng. IBook G3 thế hệ thứ hai, được công bố vào tháng 5 năm 2001, sử dụng bộ sạc tương tự. Đến tháng 10, chiếc iPod đầu tiên đã được công bố, đi kèm với một “viên gạch” màu trắng có cổng FireWire.
Kể từ đó, ít nhất hàng chục biến thể khác đã được sản xuất: có cổng USB-A cho iPod, iPhone và iPad; với dây MagSafe 1 cho MacBook từ 2006 đến 2012; MagSafe 2 từ 2013 đến 2015; và gần đây là USB-C. Tất cả đều chứng minh được sự hiệu quả về mặt thiết kế, khiến chúng không thể trở nên lỗi thời.
Đặc biệt có một điểm thú vị nữa mà có lẽ chỉ các iFan mới nhận ra: Khả năng tương thích của bộ sạc với phích cắm "đầu vịt", được bộ định tuyến AirPort Express sử dụng. Theo nghĩa đen, bạn có thể lấy dây củ sạc từ PowerBook G4 2001 và cắm nó vào bộ sạc của M3 MacBook Pro và mọi thứ sẽ vẫn hoạt động bình thường.
4. Tay cầm DualShock/DualSense
Mặc dù loại tay cầm ban đầu được bán cùng với PlayStation vào giữa những năm 90 thiếu cần analog kép mà chúng ta biết và yêu thích ngày nay, nhưng không lâu sau Sony đã tạo ra thiết kế mang tính biểu tượng với thiết kế bộ điều khiển Dual Analog và sau này là DualShock.
Kể từ đó, ngoại trừ biến thể tay cầm "boomerang" chưa bao giờ được phát hành chính thức, gã khổng lồ công nghệ nhật bản vẫn duy trì một triết lý thiết kế duy nhất cho dòng tay cầm chơi game của mình. DualSense của PlayStation 5 và Dual Analog của PlayStation đời đầu rõ ràng có cùng DNA, và bạn thậm chí có thể lập luận rằng Dual Analog là khuôn mẫu cho tất cả các thiết kế tay cầm chơi game hiện đại, thậm chí là của Xbox.
Về cơ bản nhất, DualSense trông giống như một phiên bản mới hơn của DualShock 4, tay cầm của PS4. Bố cục về cơ bản giống hệt nhau, ngoại trừ một số thay đổi về vị trí của các nút chia sẻ và tùy chọn, nút home được thiết kế lại cũng như các nút kích hoạt và bàn di chuột lớn hơn một chút. Nó có micro và giắc cắm tai nghe tích hợp, một số tay cầm có kết cấu đẹp mắt ở mặt sau và sạc qua USB-C. Bạn sẽ có thời lượng pin tương đương với DualShock; trung bình, bạn phải sạc lại DualSense của mình sau mỗi 7 hoặc 8 giờ sử dụng.
Kể từ khi có cần điều khiển kép, tay cầm chơi game không có nhiều thay đổi. Đã có thêm các nút chia sẻ và một số điều chỉnh tiện dụng, nhưng cách bạn tương tác và trải nghiệm game phần lớn giống nhau. Đó là điều khiến tay cầm DualSense của Sony trở nên thú vị.
Được giới thiệu cùng với PlayStation 5, DualSense là một tay cầm có bề ngoài khá quen thuộc, nhưng cảm giác trên tay có thể khiến bạn đắm chìm hơn nữa vào game. Những cải tiến lớn nhất của DualSense là các rung động xúc giác mới và trình kích hoạt sau với độ căng thay đổi, có thể làm mọi thứ. Khi được sử dụng đúng cách, DualSense thực sự khiến game trở nên tốt hơn.
5. TrackPoints của ThinkPad
Một trong những tính năng mang tính biểu tượng nhất của ThinkPad - TrackPoint - đã xuất hiện từ những phiên bản ThinkPad đầu tiên ra mắt năm 1992. Chấm tròn nhỏ màu đỏ giữa các phím G, H và B, đó là TrackPoint!
ThinkPad ban đầu được sản xuất bởi IBM, hãng đã bán bộ phận phần cứng tiêu dùng của mình cho Lenovo vào năm 2005. Cho đến ngày nay, dòng sản phẩm này được đánh giá cao đến mức người ta có thể coi nó là "chiếc Porsche 911 của máy tính xách tay". Trong hơn 30 năm có mặt trên thị trường, ThinkPad đã thu thập được một lượng người hâm mộ cuồng nhiệt, những người tin tưởng vào độ tin cậy, độ chắc chắn, chất lượng bàn phím của thiết bị — và tất nhiên là cả TrackPoint.
Không phải là máy tính xách tay không có bàn di chuột - hầu hết chúng đều có. Nhưng miếng cao su dễ thương (nhất thiết phải có màu đỏ) này, đối với nhiều người dùng ThinkPad trung thành, lại mang đến một trải nghiệm thú vị hơn nhiều. Ngay cả khi một số người mua ThinkPad không bao giờ thực sự sử dụng TrackPoint thì rất khó có khả năng nó sẽ biến mất, chừng nào thương hiệu ThinkPad còn tồn tại.
Rõ ràng một thiết kế tốt là một thiết kế kết hợp liền mạch giữa hình thức và chức năng. Điều này sẽ chỉ có thể được chứng minh qua thời gian.