Phòng nghiên cứu X Lab thuộc tập đoàn Alphabet (công ty mẹ của Google) vừa công bố một dự án trí tuệ nhân tạo đầy tham vọng nhưng cũng không kém phần thú vị: Phát triển các mẫu robot thông minh có thể làm việc độc lập trên cánh đồng, trang trại như những người nông dân thực thụ, góp phần tối ưu chi phí đồng thời tăng năng suất cây trồng.
Được đặt tên ‘Plant Buggy’, những chú robot này chạy bằng năng lượng mặt trời, có khả năng tự động di chuyển qua các cánh đồng và sử dụng phần mềm GPS để xác định vị trí của nhà xưởng, khu trang trại. Trong quá trình làm việc trên các cánh đồng, robot sẽ tự động thu thập hàng loạt dữ liệu quan trọng từ thực địa, chẳng hạn như chiều cao của cây trồng, tinh trạng ra hoa/lá và kích thước quả, cũng như các yếu tố liên quan đến môi trường bao gồm dự báo thời tiết, thu nhặt mẫu đất, nước. Tất cả đều sẽ được phân tích bởi hệ thống máy học (machine learning) nhằm cho ra những đánh giá chính xác nhất về tình hình phát triển của cây trồng và cách thức chúng tương tác với môi trường xung quanh.
Plant Buggy được chế tạo với nhiều hình dáng và kích thước đa dạng, do đó có thể được sử dụng linh hoạt trong nhiều tình huống khác nhau. Các chuyên gia Alphabet cho biết mẫu robot này có thể giúp nông dân nắm bắt tình trạng cánh đồng của mình ở cấp độ từng từng cây một theo thời gian thực, đồng thời tham khảo dự đoán về việc các loại cây trồng khác nhau sẽ phản ứng như thế nào với điều kiện môi trường thực tế của khu canh tác, liệu có thể đạt năng xuất cao hay không. Từ những dữ liệu này, người nông dân có thể dự tính trước quy mô và sản lượng của vụ thu hoạch, hoặc phát hiện những rủi ro như hạn hán, ngập úng, sâu bệnh... từ đó đưa ra biện pháp phòng ngừa từ sớm trước khi chúng làm hỏng cả vụ mùa.
Robot Plant Buggy đã được đưa vào thử nghiệm trên các cánh đồng ở California và Illinois (Hoa Kỳ), với nhiệm vụ phân tích vòng đời của nhiều loại cây trồng khác nhau, bao gồm dưa, quả mọng, rau diếp, hạt có dầu, yến mạch, lúa mạch… và cho kết quả cực kỳ khả quan. Sáng kiến robot này là một phần của dự án có tên là Mineral, được thành lập để phát triển ngành “nông nghiệp kiểu mới”, ứng dụng các hoạt động phân tích thông tin về thế giới thực vật để giúp canh tác bền vững hơn.
Với sự già hóa nhanh chóng của lực lượng lao động và biến đổi khí hậu ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất cây trồng theo những cách khó có thể lường trước được, các sáng kiến AI như trên có thể đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo duy trì an ninh lương thực toàn cầu trong tương lai.