Sau 8 năm liên tục đi lên, bất ngờ trong quý II năm nay, đường biểu đồ biểu thị số lượng PC được bán ra thị trường toàn cầu bất ngờ quay đầu đi xuống.
Đây là lần đầu tiên kể từ sau sự kiện “quả bong bóng dot-com” năm 2001 đến nay lượng PC bán ra giảm sút.
“Đây là một sự giảm sút bất thường trên thị trường PC toàn cầu,” Matthew Wilkins – chuyên gia phân tích của iSuppli – cho biết. “Trước đây ngay cả những khi tình hình tồi tệ, lượng PC bán ra không hề giảm mà vẫn tăng trưởng nhưng chỉ dừng lại ở mức một con số”.
Tuy nhiên tin mừng đối với các nhà sản xuất PC là mặc dù lượng sản phẩm tiêu thụ có giảm sút nhưng mức giảm sút không thực sự quá lớn.
Netbook vừa có công vừa có tội? |
Trong khi đó bằng một phương pháp thống kê khác hãng nghiên cứu Gartner lại ước tính mức giảm sút lên tới 5%. Song dù sao con số này cũng khả quan hơn nhiều so với mức dự báo gần 10% mà Gartner đưa ra trước đây.
Mikako Kitagawa – chuyên gia phân tích của Gartner – không hề cho rằng những con số trên đây đáng lo ngại mà “nó lại là dấu hiệu cho thấy thị trường PC đang có dấu hiệu hồi phục”.
Cụ thể lượng PC tiêu thụ trên thị trường Mỹ và Châu Á tiếp tục đạt con số như giới trong ngành mong đợi. Ngược lại thị trường Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi vẫn còn tương đối ảm đạm.
Mặc dù “người khổng lồ” trong lĩnh vực sản xuất chip Intel đã báo cáo những kết quả kinh doanh tương đối tốt hồi đầu tuần này nhưng giới nghiên cứu trong ngành không dám hi vọng thị trường PC sẽ hồi phục ngay trong năm nay.
Chuyên gia Kitagawa nhận định sự ổn định của thị trường Mỹ và Châu Á có thể sẽ giúp thị trường duy trì được một sự tăng trưởng nhỏ. Ngược lại IDC cho rằng nếu tính chung cho cả năm nay thì số lượng PC được tiêu thụ sẽ vẫn giảm 3%.
Hãng nghiên cứu iSuppli nhận định việc thị trường PC toàn cầu quay đầu đi xuống trong năm nay gắn liền với việc doanh nghiệp cắt giảm chi phí đầu tư cho công nghệ thông tin và việc PC để bàn bị “thất sủng”. Nguyên nhân cuối cùng chính là cuộc suy thoái kinh tế đang ngày càng lan rộng trên phạm vi toàn cầu trong thời gian qua.
Netbook vừa là kẻ có công nhưng cũng là kẻ tội đồ. Dòng máy tính xách tay giá rẻ phục vụ mục đích duyệt email và lướt web này đã góp phần giúp thị trường PC không bị tụt quá sâu.
Ngược lại netbook lại là nguyên nhân khiến người dùng không còn mấy quan tâm đến các sản phẩm PC để bàn nữa, trực tiếp khiến lượng PC để bàn bán ra thị trường toàn cầu giảm sút mạnh.
Dự kiến trong năm nay lượng Netbook được bán ra thị trường toàn cầu còn sẽ đạt mức tang 11,7% và lần đầu tiên lượng Netbook bán ra qua mặt PC để bàn. Song con số này vẫn sẽ khó có thể bù lại được lượng giảm sút mạnh trong phân khúc thị trường PC để bàn.
Đến nay HP vẫn là nhà sản xuất PC lớn nhất thế giới với khoảng 20% thị phần. Dell đứng thứ hai (14%) và vị trí thứ 3 thuộc về Acer. Lượng sản phẩm tiêu thụ của HP và Acer trong quý II đều tăng lên, trong khi đó, Dell phải chấp nhận mức giảm tới 17%. Vị trí thứ 4 và thứ 5 trên thị trường nằm trong tay Lenovo và Toshiba.