Cách đây đúng 3 năm, tỷ phú Elon Musk đã chính thức giới thiệu một dự án khởi nghiệp đầy tham vọng có tên Neuralink. Về cơ bản, Neuralink là một công ty khởi nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ, tuy nhiên công nghệ mà họ đang theo đuổi có thể thay đổi cuộc sống của loài người trong tương lai, đó là giúp nhân loại đuổi kịp được trí tuệ nhân tạo - thứ công nghệ đang phát triển với tốc độ chóng mặt trong vài năm trở lại đây. Cụ thể hơn là công nghệ cho phép chúng ta có thể kết nối với máy tính thông qua não bộ, tải lên hoặc tải xuống các ý tưởng, dữ liệu và thông tin chỉ thông qua suy nghĩ.
Tham vọng của Elon Musk là tận dụng hơn nữa tiềm năng của não bộ
Và sau 3 năm, Elon Musk cùng các cộng sự đã bắt đầu tạo ra những dấu ấn khiến cả thế giới phải nhắc đến tên mình. Theo báo cáo của Bloomberg, ngay bây giờ, Neuralink đã chính thức nắm trong tay một hệ thống có thể “đọc được suy nghĩ của một chú chuột với sự trợ giúp của các điện cực siêu nhỏ, cấy vào các tế bào cũng như khớp thần kinh trong não bộ của chúng, sau đó kết nối với máy tính để phân tích tín hiệu thu được”. Hiện Elon Musk và các cộng sự đang lên kế hoạch tìm kiếm sự chấp thuận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) để bắt đầu thử nghiệm hệ thống này trên người ngay trong năm 2020.
Max Hodak, chủ tịch hiện tại của Neuralink, đã tiết lộ với giới truyền thông trong một cuộc họp báo ngắn rằng công ty của ông dự định khoan một lỗ có đường kính khoảng 8mm vào hộp sọ của tình nguyện viên tham gia thử nghiệm, sau đó cấy ghép và thiết lập một số máy móc cần thiết. Những thiết bị hiện đại này nếu hoạt động đúng theo kế hoạch có thể giúp tình nguyện viên điều khiển và thực hiện các tác vụ trên điện thoại thông minh cũng như máy tính chỉ thông qua suy nghĩ mà không cần phải sử dụng đến tay, chân hoặc bất cứ bộ phận cơ thể nào khác.
Max Hodak nói thêm rằng trong tương lai, Neuralink có kế hoạch sử dụng tia laser để khoan lỗ hộp sọ, giúp giảm đau đến mức tối đa.
Sơ đồ giao diện hệ thống kết nối não bộ với máy tính
Trong toàn bộ quá trình trên, bước cấy ghép thiết bị vào vỏ não sẽ là khâu quan trọng, đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất. Để hạn chế mọi tác động tiêu cực đến con người, nhóm nghiên cứu của Neuralink đã phát triển một loại robot đặc biệt, được trang bị một cây kim với kích thước chỉ khoảng 24 micron (micrômét, bằng một phần triệu mét) để chèn các sợi chỉ siêu nhỏ vào vỏ não, với độ chuẩn xác tối đa. Hodak cho biết những sợi chỉ đặc biệt này buộc phải được đính chắc chắn dưới hộp sọ, và cách các tế bào thần kinh khoảng 60 micron, không hơn, không kém. Bên cạnh việc đảm bảo an toàn, mục đích ở đây là để chế tạo một thiết bị không dây có thể sử dụng được trong môi trường vỏ não một thời gian dài.
Bên cạnh đó, công ty cũng đã phát triển một cảm biến nhỏ đường kính khoảng 8mm và có thể được đưa trực tiếp vào não. Ông Max Hodak nói thêm rằng hoàn toàn có thể cấy từ 3 đến 4 cảm biến vào não và chúng sẽ kết nối với một máy tính mini có thể mang theo bên mình, tên là Link. Link sở hữu kích thước rất nhỏ, do đó bạn có thể đeo ở ngay phía mang tai. Việc kết nối chiếc máy tính mini này với các cảm biến đã được gắn trong vỏ não sẽ cho phép thu thập và phân tích mọi tín hiệu đột biến từ các nơ-ron thần kinh, và thậm chí là để cập nhật phần mềm mới (firmware) cho hệ thống một cách tự động và dễ dàng hơn mà không phải tháo bất cứ bộ phận nào ra.
Cảm biến siêu nhỏ sẽ được gắn vào vỏ não
Ở giai đoạn đầu tiên của dự án, Neuralink muốn bạn điều khiển điện thoại di động, chuột và bàn phím thông qua hệ thống này. Công ty cũng đã phát triển một ứng dụng cho iPhone, có thể giúp bạn điều khiển điện thoại, bàn phím hoặc chuột bằng các cử chỉ. Nếu thử nghiệm trên người thành công, công nghệ này sẽ mở ra tiềm năng rất lớn trong việc ứng dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, có thể kể đến như cấy ghép những điện cực đơn giản, giúp điều trị các căn bệnh rối loạn thần kinh khó chữa. Đây đồng thời cũng là thị trường có giá trị lên tới hàng tỷ USD, hứa hẹn đem lại một nguồn lợi nhuận lớn để giúp Elon Musk và các cộng sự tiếp tục duy trì những tham vọng lớn hơn trong tương lai.
Ứng dụng trên iPhone của Neuralink
Tuy được thành lập từ năm 2016, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, có rất ít thông tin về hoạt động cũng như kế hoạch của Neuralink, tuy nhiên tham vọng và sự quyết tâm của công ty khởi nghiệp non trẻ này là điều mà ai cũng có thể thấy rõ. Trong một sự kiện được tổ chức tại Viện hàn lâm Khoa học California, Elon Musk cho biết mục tiêu của Neuralink là tìm hiểu các rối loạn não bộ và cách thức kết nối hiệu quả giữa não bộ và hệ thống máy tính. Trong tương lai, có lẽ viễn cảnh con người dùng suy nghĩ để điều khiển đồ vật và giao tiếp với nhau sẽ không còn là điều không tưởng, vốn chỉ xuất hiện trong những bộ phim bom tấn HollyWood nữa.