Ngay từ giai đoạn manh nha xuất hiện, có thể nói thế giới tiền điện tử chỉ gói gọn trong 2 chữ niềm tin. “Vấn đề gốc rễ với với một hệ thống tiền tệ nói chung chính là sự tin tưởng. Tiền điện tử cũng vậy, chúng cần sự tin tưởng để tồn tại, phát triển và hướng tới đích đến cuối cùng là được công nhận và lưu thông rộng rãi”, đó chính là nhận định của Satoshi Nakamoto trong thông báo công khai đầu tiên về sự ra đời của hệ thống bitcoin (Satoshi Nakamoto là tên của một nhân vật hoặc tổ chức ẩn danh đã sáng tạo ra đồng tiền điện tử nổi tiếng Bitcoin, đồng thời cũng là cha đẻ của phần mềm mã nguồn mở Bitcoin Core được thiết kế để cho phép công chúng sử dụng được Bitcoin).
Về mặt lý thuyết, các Ngân hàng Trung ương là tổ chức được tin tưởng trong việc đảm bảo giá trị cũng như sự lưu hành thông suốt của một hệ thống tiền tệ. Thế nhưng trên thực tế, lịch sử lưu hành của các đồng tiền pháp định (fiat money - loại tiền được chính phủ công nhận nhưng không được bảo chứng bằng giá trị vật chất (như vàng, bạc...)), chứa đầy những vi phạm đối với sự tin tưởng đó. Hầu hết những gì chúng ta sử dụng để liên kết với tiền điện tử - nền tảng công nghệ dày đặc, cơn sốt đào coin, sự dao động mạnh mẽ về giá cả - là kết quả trực tiếp của sự từ chối căn bản trong việc đặt tin tưởng vào một cơ quan tài chính trung ương.
Bây giờ, sức mạnh đó đang dần nằm trong tay Facebook. Mới đây, Facebook đã chính thức công bố quyết định cho ra mắt một loại tiền điện tử mới đầy tham vọng có tên Libra, được quản lý bởi một hiệp hội các công ty tài chính và công nghệ uy tín cũng như lớn mạnh nhất thế giới, bao gồm Facebook cùng với các doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ như Visa và Mastercard.
Đây là một dự án cực kỳ tham vọng, thậm chí có thể được coi là tham vọng nhất mà CEO Mark Zuckerberg ấp ủ kể từ khi Facebook chính thức được thành lập vào năm 2004. Về cơ bản, sự ra mắt của đồng tiền này hoàn toàn có thể tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực tài chính blockchain toàn cầu. Ở cấp độ kỹ thuật, Libra cũng tương tự như bitcoin và Ethereum: nó có cùng tính chất ẩn danh và cung cấp khả năng hỗ trợ tương đồng đối với các hợp đồng thông minh và ứng dụng độc lập. Về lý thuyết, Libra sở hữu tất cả mọi ưu điểm mà một đồng tiền điện tử có thể có, lớn hơn và nhanh hơn.
Libra - Facebook
Nhưng tuy rằng Libra vận hành ở chế độ phân cấp, về cơ bản, nó vẫn là một dự án của Facebook. Đội ngũ của Facebook chịu trách nhiệm thiết kế blockchain và lựa chọn các đối tác quản lý nó. Ví Libra sẽ được nhúng trong những ứng dụng của Facebook như Messenger và WhatsApp, điều đó có nghĩa là các sản phẩm của Facebook cũng sẽ đóng vai trò như những nền tảng chính yếu mà thông qua đó mọi người có thể trải nghiệm ví Libra.
Như vậy, có thể nói sử dụng Libra có nghĩa bạn đã đặt sự tin tưởng của mình vào Facebook - một điều nghe có vẻ hơi “bấp bênh” trong năm 2019 này. Và trong khi tiền điện tử ban đầu có nghĩa phân cấp quyền lực, sở hữu Libra có nghĩa là bạn sẽ đứng sau một trong những công ty mạnh nhất trên trái đất. Nếu dự án này thành công, rất có thể kỷ nguyên phi tập trung của tiền điện tử đã đến hồi kết.
Mặc dù sở hữu khá nhiều khía cạnh kỹ thuật tương tự như bitcoin, những Libra lại biết cách thoát ra khỏi cái bóng của “người đàn anh” theo những cách quan trọng. Đồng tiền điện tử của Facebook lưu thông trên một blockchain được cấp phép, điều đó có nghĩa là chỉ các công ty nằm trong Hiệp hội Libra (Libra Association) mới có thể khai thác được nó.
- Hacker kiếm được 32.000 USD trong 7 tuần bằng cách sửa một loạt lỗ hổng trong các dự án tiền điện tử
Như các nhà phát triển đã mô tả, đó là một sự nhượng bộ cần thiết cho tính ổn định chung, cho phép đồng tiền non trẻ này tránh được các vấn đề về sử dụng năng lượng và độ trễ giao dịch vốn đã, đang, và sẽ còn gây khó khăn “dài dài” cho bitcoin và nhiều đồng tiền điện tử lớn khác. Thế nhưng điều này cũng có thể biến Libra Association trở thành một “ngân hàng trung ương với đầy đủ thực quyền” (de facto central bank), chủ động quản lý tiền tệ cho sự ổn định được hỗ trợ bởi dự trữ trái phiếu và tiền tệ.
Đối với một doanh nghiệp blockchain, điều này mang lại ý nghĩa hoàn hảo: bạn cần một blockchain có thể xóa các giao dịch một cách nhanh chóng và sẽ không giảm giá sau khi bạn đã mua nó. Nhưng như một câu hỏi về niềm tin, đó là sự lựa chọn kỳ lạ: nếu bạn không thực sự tin tưởng vào các cơ quan như Cục Dự trữ Liên bang, hay Ngân hàng Nhà nước, vậy thì tại sao bạn lại đặt niềm tin vào tin Visa và Mastercard?
Facebook sẽ phát hành đồng tiền ảo riêng
Libra không có kế hoạch được cấp phép vĩnh viễn. Một tài liệu riêng biệt mới được công bố gần đây đã cho thấy kế hoạch của Libra Association trong việc “kết nạp” thêm nhiều thành viên hơn, cuối cùng chuyển sang mô hình không được cấp phép sau 5 năm, khi các vấn đề về khả năng mở rộng có lẽ đã được giải quyết ổn thỏa.
Kế hoạch này hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng vẫn có lý do để có thể hoài nghi. Gần như chưa có một blockchain nào từng được chuyển từ “được cấp phép” sang “không được cấp phép”, và sẽ có những rào cản chính sách quan trọng ngăn chặn điều này - không ít trong số đó bắt nguồn từ các công ty nằm trong chính hiệp hội, có thể muốn giữ vị trí đặc quyền của họ trong mạng lưới.
Hy vọng sau cái mốc 5 năm có thể xảy ra đó, các vấn đề về kỹ thuật sẽ không còn xuất hiện với Libra. Libra Association thừa hiểu rằng một blockchain được quản lý tập trung sẽ không thể giành được nhiều sự tin cậy, hứa hẹn rằng điều này chỉ là tạm thời, và dự định sẽ đưa ra cách khắc phục sau.
Trong khi đó, những người không có thiện cảm đối với Facebook (số này khá đông đảo) đang đánh giá Libra là mối đe dọa tiềm tàng đối với hệ thống tài chính - tiền tệ. Chuyên gia tài chính Matt Stoller đến từ Open Market - một trong những nhà phê bình chống độc quyền hàng đầu đối với Facebook - đã mô tả ý tưởng này như một “quỹ tiền tệ quốc tế tư nhân toàn cầu” được điều hành độc quyền.
Susan Fowler đến từ Uber lại đưa đồng tiền này vào các điều khoản thậm chí còn khắc nghiệt hơn: “Facebook là một trong những nền tảng lớn nhất gây ra thông tin sai lệch trên toàn cầu, và khi họ lấn sân sang lĩnh vực tài chính, đó sẽ là một mối lo ngại lớn”. Trong một động thái liên quan, các nhà quản lý châu Âu cũng đã xem xét các phương án để kiềm chế đồng tiền mới này, coi đây là mối đe dọa đối với chủ quyền quốc gia.
Việc tham gia thị trường tiền ảo mở ra tiềm năng phát triển tuyệt vời cho Facebook
Trở lại câu hỏi về niềm tin. Trên lý thuyết, việc trải rộng quyền kiểm soát về mặt vật chất đối với Libra cho hàng tá công ty công nghệ khác nhau được cho là sẽ giúp giải quyết các vấn đề về niềm tin, khiến người ta tin rằng cộng đồng tiền ảo Libra dường như là sân chơi mà ở đó có sự góp mặt của hàng chục công ty lớn. Thế nhưng vai trò của Facebook trong việc phác thảo hệ thống tiền ảo này vẫn khó mà có thể bỏ qua. Nếu bạn đã từng không tin tưởng vào cách thức vận hành và quản lý News Feed của Facebook, vậy thì việc đặt niềm tin vào công ty này dưới cương vị doanh nghiệp xây dựng nên một hệ thống tài chính liệu có quá “liều lĩnh” hay không?
Việc tham gia vào hoạt động kinh doanh vốn trước đây chỉ thuộc quản lý của hệ thống ngân hàng trung ương có thể mở ra những tiềm năng phát triển tuyệt vời cho các công ty. Chỉ cần nhìn vào giá cổ phiếu của Facebook tăng vọt sau khi thông báo phát hành Libra được đưa ra là đủ hiểu, thế nhưng thật khó mà tìm thấy lý do để các “nhà đầu tư phổ thông” phấn kích trước sự ra mắt của đồng tiền điện tử này.