Gặp Nguyễn Xuân Tài, nhìn mặt người ta dễ nhầm là một sinh viên mới ra trường. Cái giọng nhỏ nhẹ, pha giọng Trung, bộ comple có màu sắc khá khiêm tốn lại gợi đến một nhân viên tiếp thị hoặc chăm sóc khách hàng mới đi làm.
Thế nhưng, chàng trai sinh năm 1983 này lại là Tổng Giám đốc một công ty triệu đô - Công ty Naiscorp. Một ông chủ 8x.
Cuộc gặp gỡ định mệnh
Cũng cần nói rõ, số vốn mấy chục tỷ đồng của Naiscorp có được là từ việc ký kết hợp tác đầu tư với IDG Ventures VietNam (IDGVV). Quản lý số vốn 100 triệu đô la, IDGVV đầu tư chủ yếu vào các công ty tư nhân thuộc lĩnh vực viễn thông, truyền thông và công nghệ ngay từ giai đoạn sơ khởi.
Đây là một quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ, hoạt động toàn cầu. Tại sao lại là “mạo hiểm”? Bởi tất cả quyết định đầu tư chỉ dựa trên sự tin cậy.
Vậy tại sao IDG Ventures VietNam lại đầu tư cho công ty của Tài ngay từ khi Tài cùng những “chiến hữu” của mình (Hồ Minh Đức, Đinh Nho Nam, Nguyễn Hoàng Trung, Đinh Văn Hùng… – tất cả đều là sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội vừa ra trường) thành lập công ty? Khi mà trình độ về quản lý của họ chỉ là số không?
Thì ra, công ty của nhóm bạn trẻ này được thành lập (7/2006) chỉ sau cuộc gặp gỡ giữa nhóm với ông Partrick Mc.Gorven - Chủ tịch Tập đoàn IDG Ventures.
Có thể nói đây là cuộc gặp định mệnh với nhóm sinh viên trẻ này. Ông chủ của một quỹ đầu tư lớn đặc biệt lưu ý đến nhóm này, là bởi họ đều là những nhà nghiên cứu ngay từ khi đi học.
Hồ Minh Đức, Đinh Nho Nam, Nguyễn Hoàng Trung, Đinh Văn Hùng… đều có những thành tích đáng nể trong lĩnh vực công nghệ thông tin với các giải thưởng uy tín như các giải Nhất nghiên cứu của Đại học Bách khoa các năm 2004, 2005, 2006; Giải Nhất nghiên cứu khoa học Bộ Khoa học - Công nghệ; Giải Ba Vifotec 2004 (giải thưởng quốc gia uy tín trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật); danh hiệu Hiệp sĩ công nghệ thông tin VN…
Như vậy ở đây có một việc còn khá lạ lẫm với người Việt Nam: Nhà đầu tư tìm đến những người tài - dù là còn đang “rất tiềm năng” để đề nghị hợp tác. Trái hẳn với thông thường, người ta chỉ tìm đến với những đối tác đã “mạnh”.
Tài, Đức, Nam, Trung, Hùng… đều là những người có thể đi học nước ngoài bằng học bổng ưu đãi nhưng họ đã không đi. Một phần cũng vì cơ hội cùng thách thức đến với họ tương đối bất ngờ. Và họ đã chấp nhận đi theo con đường mới mẻ. Nên nhớ là làm việc với các đối tác, nhất là các quỹ nước ngoài không hề đơn giản. Không phải họ bỏ ra một đống tiền để muốn tiêu gì thì tiêu.
Có một cách nhìn đặc biệt và hoàn toàn khác biệt về thị trường tìm kiếm Việt Nam, đó là điều mà các quỹ đầu tư quốc tế đánh giá cao và họ tin tưởng vào khả năng suy nghĩ cũng như khả năng hành động của Naiscorp.
Công cụ tìm kiếm mang tên socbay.com của Tài và “chiến hữu” hữu hiệu đến mức Công ty điện toán và truyền số liệu VDC, rồi VNPT-Vina Phone cũng tìm đến họ.
Cuối năm ngoái, công nghệ tìm kiếm của Naiscorp được chính thức triển khai trên website Chính phủ (www.chinhphu.vn). Chính nhờ những thành công này, tập đoàn tin học số 1 tại Nhật Bản là Softbank đã ký kết hợp tác đầu tư với Naiscorp.
“Hãy học thật giỏi, chỉ có một con đường ấy thôi…”
Quê Tài ở một xã miền núi thuộc huyện Thanh Chương, Nghệ An, một vùng quê quá nghèo. Nhắc đến quê, Tài vẫn chùng giọng xuống: “Em và 4 người bạn đều sinh ra và lớn lên trong một môi trường không thuận lợi về kinh tế, và cũng có thể do vậy bọn em hiểu rõ được sự nghèo khổ và khó khăn.
Thời đi học em được thầy cô dạy một điều “ở đất chúng ta không có gì để sống cả đâu, nếu các em muốn sống sung sướng, hãy học thật giỏi, chỉ có một con đường ấy thôi”, do vậy em đã học và học rất nhiều.
Naiscorp làm việc tại tập đoàn Google |
Năm học lớp 10, Tài mới được biết về Internet và mới gửi bức e-mail đầu tiên. Nhưng từ đó niềm đam mê máy tính bắt đầu ám ảnh chàng trai nông thôn này.
Vào Đại học Bách khoa, năm thứ 2 Tài đã xin làm 2 đề tài nghiên cứu khoa học khác nhau, một đề tài về kinh tế, và một đề tài về phần mềm. Đây là một việc chưa từng có tiền lệ nhưng may mắn cho anh, các thầy đã ủng hộ.
Giải nghiên cứu khoa học đầu tiên của Tài với đề tài là Kinh tế, nhưng sau đó anh bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu về công cụ tìm kiếm, mải mê với phần mềm máy tính và những thí nghiệm theo ý tưởng riêng.
Tài nói anh không ham nghe bài giảng trên lớp bởi cái đó có thể đọc giáo trình, anh thích sự sáng tạo. Cách học của Tài ở đại học là học thông qua nhiều đề tài nghiên cứu lớn nhỏ khác nhau và do vậy “tôi được các thầy chỉ bảo nhiều hơn các bạn cùng lứa”.
Theo đuổi những ý tưởng riêng của mình và viết nó thành đề tài, sau đó nhờ chuyên gia phản biện lại, cách học đó khiến Tài nắm vấn đề rất chắc và quan trọng hơn - những kiến thức đó đều là kiến thức có thể ứng dụng.
Hiện nay Tài vẫn thường xuyên bổ sung kiến thức bằng cách tự đọc và trao đổi với các chuyên gia, bạn bè. Điều này, theo anh, giúp anh đi vào lĩnh vực kinh doanh là cái anh không được học bài bản trong trường.
Hỏi về thời sinh viên, Tài say sưa kể về những người thầy giỏi và tốt bụng, những buổi thầy trò cặm cụi dù trời đã tối khuya; những người bạn lớn đã hào phóng giúp anh làm những thí nghiệm rất tốn kém; và tất nhiên là những người bạn với những đêm thức trắng kéo dài hàng tháng.
Anh nhắc đến một câu tâm đắc: “Có ba cách để một người được vinh quang: một là sinh ra trong vinh quang, hai là vinh quang đổ xuống đầu, ba là vươn đến vinh quang”. Ý Tài, các anh đang làm theo cách thứ ba.
Hiện nay, một ngày làm việc của Tài và cộng sự thường kéo dài từ sáng đến tối khuya. Khi mệt, anh giải trí bằng… game chiến thuật.
win - win ++
Cổng thông tin tìm kiếm www.socbay.com mà nhóm của Tài theo đuổi, cũng là lý do mà các anh được các đối tác nước ngoài đầu tư có mục tiêu là “Hàng Việt dành cho người Việt”. Người dùng Việt Nam có nhiều điểm khác biệt và đó là lý do Naiscorp vẫn có thị trường dù quốc tế đã có quá nhiều công cụ tìm kiếm.
Kinh doanh dữ liệu và phục vụ tìm kiếm thông tin là một khái niệm khá mới mẻ và có vẻ thời thượng, tuy nhiên như Tài nói, kiếm tiền trên mạng là một việc khó hơn rất nhiều so với những công việc phổ biến từ trước tới nay tại Việt Nam.
Phương châm kinh doanh của Naiscorp là win - win ++, Tài diễn giải: Chúng tôi nghĩ rằng, khi mình làm việc gì với ai, hoặc cho ai, thì việc đó phải đem lại lợi ích cho cả hai bên. Ngoài ra còn phải có lợi ích cho cộng đồng. Hai bên cùng có lợi thì là win - win rồi, nhưng còn phải có lợi cho người khác, là “++”.
Trong kinh doanh có thể có thất bại, các anh sẽ ứng xử ra sao? Tài tự tin: Chúng tôi không sợ thất bại, xin trích một câu nói của một người bạn lớn tôi rất tôn trọng: “Nếu thất bại chúng ta cũng có thêm được kinh nghiệm”.
Khi nói chuyện, Tài nhắc đến nhiều “ước mơ của chúng tôi”: “Thông tin đến với từng người Việt Nam một cách đầy đủ nhất, nhanh nhất, và rẻ nhất và người Việt Nam sẽ dùng nó để phục vụ cho đời sống của mình”.
Ước mơ đó nghe có vẻ giản dị nhưng thực chất nó đòi hỏi nỗ lực rất cao. Và những điều Naiscorp còn chưa làm được, có lẽ sẽ có những người trẻ mới bước vào đường kinh doanh phục vụ cộng đồng sẽ tiếp tục.
Tài nói về thời đi học khổ sở vì thiếu tài liệu, khổ hơn cả thiếu ăn, nhưng anh hy vọng những thế hệ học sinh sau này sẽ khá hơn vì được tiếp cận với kho tri thức khổng lồ của nhân loại.