Sau khi cơ quan bảo vệ dữ liệu Ý quyết định cấm ChatGPT hồi tuần trước, hàng loạt quốc gia châu Âu khác cũng đã bắt đầu tham khảo kế hoạch tương tự vì những lo ngại liên quan vấn đề an ninh và bảo mật dữ liệu quốc gia. Trong đó có Đức, Pháp và Ireland, những nền kinh tế lớn nhất EU.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Handelsblatt, ủy viên Ủy ban bảo vệ dữ liệu Đức Ulrich Kelber, nói rằng các cơ quan quản lý của nước này đã có những cuộc đàm phán với chính phủ Ý để thảo luận sâu hơn lệnh cấm ChatGPT trên phạm vi toàn lãnh thổ.
Lệnh cấm của Ý có hiệu lực sau khi cơ quan bảo vệ dữ liệu của nước này cho biết ChatGPT có thể vi phạm các quy tắc về thu thập dữ liệu cũng như bảo mật dữ liệu của họ. Ngoài ra, quốc gia này cũng cáo buộc nền tảng chatbot của OpenAI đã không thực hiện những biện pháp giám sát cần thiết đối với trường hợp dịch vụ được sử dụng bởi trẻ em dưới 13 tuổi, bộ chẳng hạn như sử dụng bộ lọc để xác minh tuổi của người dùng, vốn là một trong những điều khoản cấm trong bộ quy tắc chung của chính ChatGPT.
Đức nhiều khả năng cũng sẽ viện dẫn lý do tương tự trong việc ngăn chặn ChatGPT. Các cơ quan quản lý về bảo mật và quyền riêng tư của một số quốc gia EU khác như Pháp và Ireland đã liên hệ với các đối tác ở Ý để tìm hiểu về cơ sở của lệnh cấm ChatGPT.
Nói về vấn đề trên, phát ngôn viên của Ủy viên bảo vệ dữ liệu Ireland cho biết
“Chúng tôi đang trong quá trình làm việc với các cơ quan đồng cấp của Ý, đồng thời cũng sẽ phối hợp và trao đổi với các cơ quan bảo vệ dữ liệu khác thuộc Liên minh châu Âu (EU) để tìm hiểu về vấn đề này một cách kỹ càng”.
ChatGPT là một chatbot thông minh, có thể hỗ trợ con người ở nhiều khía cạnh khác nhau từ trong công việc, học tập cũng như giải trí. Đó là thực tế không cần bàn cãi. Nhưng cũng có những hệ lụy khó lường khi một con bot thông minh nằm trong tay những kẻ có mưu đồ xấu. Khi đó, thành tựu công nghệ sẽ bỗng chốc trở thành công cụ hỗ trợ hành vi phi phạm pháp luật.