Trước năm 1993, Microsoft đã phát triển đồng thời hệ điều hành MS-DOS cùng với Windows dựa trên giao diện người dùng đồ họa. Bản thân Windows cũng được xây dựng dựa trên MS-DOS để có thể tương thích ngược với các ứng dụng cũ hơn.
Tuy nhiên, kế hoạch thực sự mà công ty muốn hướng đến ở thời điểm bấy giờ tạo ra một hệ điều hành mới, kết hợp giữa giao diện đồ họa cải tiến của Windows và đồng thời có thể làm được nhiều hơn những gì mà MS-DOS 16-bit có thể hỗ trợ. Kết quả cuối cùng là Microsoft Windows NT 3.1 ra mắt cách đây tròn 30 năm, ngày 27 tháng 7 năm 1993.
Windows NT 3.1 về cơ bản là một nền tảng hệ điều hành 32-bit, cũng là phiên bản đầu tiên thuộc họ hệ điều hành Windows NT. Ngoài Windows NT 3.1, được tạo cho thị trường máy trạm và doanh nghiệp, Microsoft cũng tung ra Windows NT 3.1 Advanced Server, phiên bản hỗ trợ riêng cho máy chủ.
Để kỷ niệm cột mốc đáng nhớ này, Microsoft đã chia sẻ một bài đăng trên blog, trong đó cho biết:
Bản phát hành đáng chú ý này, được trang bị kiến trúc 32 bit và tự hào về tính độc lập của bộ xử lý, đã mở ra một kỷ nguyên mới về khả năng tính toán của PC. Một trong số các tính năng nổi bật của Windows NT 3.1 là ưu tiên đa nhiệm, đa xử lý và hỗ trợ nhiều người dùng. Chính những tính năng này đã góp phần nâng cao tiêu chuẩn chung của các hệ điều hành. Nối cách khác, Windows NT Server 3.1 đã đặt nền tảng cho sự thành công của nhiều phiên bản Windows và Windows Server sau này.
Theo ấn phẩm Microsoft Secrets xuất bản năm 1998 của các tác giả Michael A. Cusumano và Richard W. Shelby, nguồn gốc của Windows NT 3.1 trên thực tế đã bắt đầu thời gian dài trước đó, vào khoảng năm 1988. Ở thời điểm này, Microsoft là công ty phần mềm thống trị thế giới PC với MS-DOS và các phiên bản ban đầu của Windows.
Tuy nhiên, đã ngày càng có nhiều lo ngại từ nhà đồng sáng Bill Gates và giám đốc kỹ thuật Microsoft Nathan Myhrvold rằng sự kết hợp giữa CPU với kiến trúc RISC và hệ điều hành Unix có thể là mối đe dọa đối với sự thành công trong mảng máy tính của công ty.
Gates đã thuê Dave Cutler, một kỹ sư dạn dày kinh nghiệm trước đây làm việc tại DEC (Digital Equipment Corporation) để lãnh đạo quá trình phát triển Windows NT 3.1. Ban đầu, kế hoạch là hợp tác với IBM cùng xây dựng một phiên bản hệ điều hành OS/2 chuyên biệt. Ngoài ra, kiến trúc CPU cơ sở cho hệ điều hành mới chính là Intel i860, dựa trên thiết kế chip RISC.
Tuy nhiên, Microsoft cuối cùng đã quyết định từ bỏ quan hệ đối tác với IBM và dự án OS/2 của riêng công ty - một phần nhờ vào sự thành công của Windows 3.0 - đã ra mắt vào năm 1990. Một quyết định quan trọng khác cũng đã được đưa ra, đó là làm cho hệ điều hành này có thể tương thích và hoạt động tốt với các chip Intel theo tiêu chuẩn kiến trúc x86 mà Intel vẫn tiếp tục hỗ trợ cho đến ngày nay.
Yêu cầu hệ thống đối với Windows NT 3.1 dành cho chip Intel x86 khá cao vào thời điểm năm 1993. Nó cần một CPU có tốc độ xung nhịp ít nhất là 25MHz, cùng với 12MB RAM, 75MB dung lượng ổ cứng và một card đồ họa VGA.
Hệ điều hành này cũng có thể được sử dụng với PC chạy bộ xử lý dựa trên kiến trúc MIPS và DEC Alpha.
Nhìn chung, Windows NT 3.1 có thể làm được rất nhiều thứ mà các hệ điều hành Windows tiêu chuẩn ở thời điểm đó không thể. Tuy nhiên, các vấn đề khách quan như thiếu ứng dụng 32-bit thuần túy có thể chạy trên Windows NT 3.1 và yêu cầu hệ thống ở mức cao vào thời điểm đó đã khiến hệ điều hành không thể đạt được thành công như kỳ vọng.
Dù sao thì ảnh hưởng tích cực của Windows NT 3.1 đối với các bản phát hành Windows trong tương lai, bao gồm cả những phiên bản dành cho PC tiêu dùng, là điều không cần bàn cãi và vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.