Các hãng sản xuất linh kiện PC chuyên dụng trên toàn thế giới hiện đã bắt đầu rục rịch công bố các mẫu mô-đun bộ nhớ (RAM) DDR5 hiệu năng cao dành cho người dùng chuyên nghiệp. Chẳng hạn như trường hợp của Corsair. Nhà sản xuất này vừa chính thức giới thiệu ra thị trường mẫu DDR5 SDRAM có tốc độ truyền dữ liệu cực kỳ ấn tượng, ở mức từ 6400 MT/s cho đến tối đa 12600 MT/s. Trong những tình huống sử dụng đặc biệt, tốc độ truyền tải dữ liệu cực cao như vậy sẽ được kích hoạt bởi các IC quản lý nguồn trên bo mạch (PMIC) và mô-đun điều chỉnh điện áp (VRM). Điều này sẽ dẫn đến nhiệt lượng tỏa ra cũng tăng lên đáng kể, từ đó đòi hỏi phải được trang bị hệ thống làm mát thích hợp nhằm đảm bảo khả năng duy trì hoạt động ổn định, các kỹ sư Corsair cho biết.
"Bạn có thể tưởng tượng DDR5 sẽ tạo ra mực nhiệt lượng lớn hơn nhiều so với DDR4. Bên cạnh vấn đề hiệu năng, một phần nguyên nhân nằm ở việc hệ thống điều chỉnh điện áp (ổn áp) đã được chuyển từ bo mạch chủ sang nằm trực tiếp nằm trên mô-đun DDR5. Vì vậy, bạn thực sự sẽ cần đến một cơ chế tản nhiệt hiệu quả để đảm bảo tính ổn định chung”, George Makris, giám đốc tiếp thị DIY tại Corsair, nhận định.
Trong nhiều năm, không ít người giữ quan điểm cho rằng việc trang bị bộ tản nhiệt là không cần thiết đối với hầu hết các mô-đun DDR3 và DDR4, ngay cả những mô-đun dành cho các dàn PC chuyên dụng hiệu năng cao. Tuy nhiên với DDR5, suy nghĩ này có thể sẽ phải thay đổi vì các mô-đun sẽ phức tạp hơn. Corsair nói rằng hệ thống làm mát sắp tới mà họ dự định trang bị cho thanh DRAM của mình sẽ là yếu tố đảm bảo tính ổn định chung cho hệ thống.
DDR5 về cơ bản được phát triển để hỗ trợ khả năng mở rộng hiệu suất hữu hình trong nhiều năm tới. Khả năng nâng cap tốc độ truyền dữ liệu này được đảm nhận bởi nhiều công nghệ, trang bị đặc thù trong kiến trúc của DDR5, và đồng thời sẽ cho phép các nhà sản xuất DRAM phát triển chip DDR5-12600 tiêu chuẩn JEDEC trong tương lai. Tuy nhiên, có vẻ như sẽ không có nhà sản xuất nào trang bị IC DRAM DDR5-10000 hoặc DDR5-12600 ngay trong năm 2021 này, hoặc thậm chí cả 2022. Vì vậy, để tạo ra các DIMM thích hợp, nhà sản xuất sẽ phải lựa chọn các chip có khả năng, tăng điện áp của chúng lên hơn 1,1 Volt so với bình thường, và đảm bảo chất lượng nguồn điện.
Vì các mô-đun DDR5 có PMIC và VRM riêng, nên các nhà sản xuất có thể phát triển các giải pháp thay thế để cho phép ép xung. Ví dụ: Adata đã cân nhắc mức 1,6 Volt cho các DIMM hàng đầu của hãng. Một mức điện áp quá cao như vậy rõ ràng sẽ làm cho chip nhớ trở nên nóng hơn trong quá trình hoạt động. Hơn nữa, các thành phần PMIC và VRM cũng sẽ phải được làm mát.
Corsair là một nhà sản xuất có khá nhiều kinh nghiệm trong việc thiết kế những hệ thống tản nhiệt phức tạp cho các mô-đun bộ nhớ Dominator của mình, không chỉ tản nhiệt trực tiếp các chip DRAM, mà còn có thể làm mát PCB của mô-đun. Vì vậy, Corsair chắc chắn cũng sẽ cung cấp bộ tản nhiệt toàn diện cho các mô-đun DDR5 sắp ra mắt của mình.