'Đếm' hơn 7.000 tia sét dội xuống Hà Nội bằng cách nào?

Nhờ vào mạng lưới định vị được thiết kế, phân tích, phân phối số liệu theo thời gian thực, các chuyên gia khí tượng thủy văn có thể thống kê các cú sét dội xuống mặt đất trong khoảng thời gian nhất định.

Theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn, có hơn 10.200 tia sét xuất hiện trên bầu trời Hà Nội, từ 6h đến 9h ngày 5-6. Trong đó, hơn 7.000 tia đánh xuống mặt đất, trung bình, cứ 10 phút có hơn 470 cú sét đánh xuống đất.

Sét đánh xuống mặt đất

Hiện nay, Việt Nam có mạng lưới gồm 18 trạm định vị sét, được kết nối với hệ thống định vị sét quốc tế được thiết kế để phát hiện, định vị, phân tích, hiển thị, lưu trữ và phân phối số liệu theo thời gian thực các sự kiện sét xuống mặt đất (CG) và trong mây (IC).

Hiện tại mạng lưới có các đầu đo có thể phát hiện được sét trong dải từ 400-600 km, không chỉ phát hiện sét ở khu vực đất liền của Việt Nam mà còn có thể phát hiện cả sét trên biển và khu vực gần biên giới các nước lân cận.

Cụ thể nếu thống kê cho khu vực, các chuyên gia cần chọn theo kinh vĩ độ để xác định số lượng sét xảy ra tại khu vực đó trong khoảng thời gian nhất định.

Ông Nguyễn Đức Phương, Trưởng phòng Rada thời tiết, Trung tâm Mạng lưới Khí tượng Thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết, số lượng sét tại Hà Nội với 475 cú/10 phút là hoàn toàn bình thường. Trước đó, bầu trời tại khu nam đồng bằng Bắc Bộ (trọng tâm tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nam) cũng từng xuất hiện hơn 107.000 tia sét, trong đó gần 40.000 tia sét đánh xuống mặt đất vào 15-18h ngày 19/5. Bầu trời Yên Bái vào lúc 17-19h ngày 30/5, xuất hiện 11.980 tia sét, trong đó hơn 3.700 tia đánh xuống đất.

Người dân có thể theo dõi liên tục các thông tin về sét và rada thời tiết, các cảnh báo nguy cơ sét trên website hymetnet.gov.vn để phòng, tránh các rủi ro do do giông sét gây ra.

Thứ Năm, 06/06/2024 09:07
31 👨 1.769
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khám phá khoa học