Cho đến thời điểm hiện tại, bất cứ ai có quan tâm tìm hiểu về Windows 11 chắc hẳn đều đã biết rằng hệ điều hành mới của Microsoft đi kèm với một số yêu cầu hệ thống tương đối nghiêm ngặt vì lý do bảo mật. Đơn cử như việc một hệ thống PC muốn chạy tốt Windows 11 sẽ phải hỗ trợ TPM 2.0, Secure Boot, và đồng thời phải đang sử dụng bộ vi xử lý nằm trong danh sách được Microsoft. Cùng với đó là hàng loạt yêu cầu khác về phần cứng.
Những quy định có phần “chồng chéo” này đã dẫn đến không ít trường hợp một hệ thống PC, chẳng hạn đang chạy trên các bộ xử lý Ryzen 1000 của AMD hoặc Intel thế hệ thứ 6/7, tuy vẫn có khả năng kích hoạt TPM 2.0 và Secure Boot, nhưng vẫn không được liệt kê trong danh sách khuyến nghị của Microsoft. Đó là bởi các bộ xử lý thế hệ cũ này không hỗ trợ tính năng Mode Based Execution Control (MBEC), từ đó dẫn đến sự không đảm bảo về hiệu suất khi chạy Virtualization-based Security (VBS) của Microsoft.
Đội ngũ UL benchmarks, tác giả của 3DMark và nhiều công cụ đánh giá benchmark phổ biến khác, đã lưu ý rằng có thể có những tác động tiêu cực đến hiệu suất, đặc biệt là liên quan đến chơi game, bắt nguồn từ VBS. Cụ thể như sau:
"Trong thử nghiệm của chúng tôi với các bản build trước khi phát hành của Windows 11, một tính năng được gọi là Virtualization-based Security (VBS) đã khiến hiệu suất giảm xuống tương đối rõ rệt. VBS được bật theo mặc định sau khi cài đặt sạch Windows 11, nhưng không được bật khi nâng cấp từ Windows 10. Điều này có nghĩa là cùng một hệ thống có thể cho kết quả benchmark khác nhau tùy thuộc vào cách cài đặt Windows 11 và việc VBS có được bật hay không".
UL benchmarks cho biết họ sẽ sớm cập nhật các phần mềm đánh giá benchmark của mình để có thể chủ động phát hiện VBS trên hệ thống của người dùng, từ đó đưa ra các kết quả so sánh hiệu suất trên cơ sở trực quan và bình đẳng hơn.
Để xác thực các tuyên bố của UL, ComputerBase (CB) và PC Gamer đã chạy một số công cụ đánh giá hiệu năng chơi game và cả 3DMark Time Spy. Các thử nghiệm được thực hiện bằng cách sử dụng một loạt các hệ thiết lập phần cứng và trò chơi khác nhau. Nhưng trong khi thiết lập phần cứng có thể không giống nhau, cả hai CPU trong thử nghiệm đều được Microsoft hỗ trợ chính thức và có thể sử dụng MBEC. Vì vậy, trên lý thuyết, tác động từ VBS nên ở mức thấp.
TTrong thử nghiệm của PC Gamer, kết quả cho thấy những tác động đến hiệu suất có xu hướng lớn hơn nhiều trong các trò chơi, mặc dù chúng đều chạy trên các tình huống giới hạn GPU với RTX 3060 Ti trên màn hình 1440p. Chẳng hạn, mức giảm hiệu suất có thể lên tới 28% trong trường hợp của tựa game Shadow of the Tomb Raider (SoTR). Trong khi đó, số liệu của ComputerBase cho thấy tác động thấp hơn trong các trò chơi nói chung, bao gồm cả trong SoTR, nhưng về cơ bản vẫn có sự sụt giảm.
PC Gamer cho biết họ đã sử dụng bản build Beta 22000.194, sở hữu nhiều điểm tương đồng với những gì người dùng sẽ nhận được khi phiên bản công khai của Windows 11 ra mắt chính thức. Mặt khác, ComputerBase đã đo lường tác động của VBS đối với bản build 22463 trên Dev channel, vốn sẽ có những khác biệt đáng kể so với phiên bản mà người dùng sẽ nhận được khi Windows 11 ra mắt chính thức vài ngày tới.
Tóm lại, những sự khác biệt, bất thường trong các thử nghiệm thực tế nêu trên đã cho thấy VBS chưa thực sự được tối ưu hóa để tận dụng lợi thế của các CPU đời mới trên Windows 11, ít nhất là đối với khả năng chơi game. Hi vọng rằng mọi thứ sẽ được khác phục trong phiên bản ra mắt chính thức sau ngày 5/10 tới đấy!