Microsoft nhận đủ gạch đá khi nói menu Start của Windows 11 được xây dựng dựa trên phản hồi từ người dùng

Menu Start là một trong những thành phần được người dùng Windows tương tác thường xuyên nhất, và có ảnh hưởng rất lớn đến trải nghiệm tổng thể của hệ điều hành. Với Windows 11 cũng không phải ngoại lệ.

Tuy nhiên, khá đáng tiếc khi menu Start lại là thành phần gây tranh cãi trên Windows 11 và khiến Microsoft phải đau đầu tìm phương án giải quyết. Chuyện là trên Windows 11, menu Start sống động và có tính tương tác cao đã không còn nữa, thay vào đó là một trải nghiệm tĩnh và có phần nhàm chán tương tự như trên Windows 10X. Ngoài ra, giao diện menu Start của Windows 11 cũng không giống như với Windows 7 hay Windows 10, đồng thời không đi kèm với bất kỳ tính năng cá nhân hóa nào.

Menu Start của Windows 11

Giao diện menu Start của Windows 11 về cơ bản là một tập hợp đơn giản gồm các biểu tượng được ghim ngẫu nhiên theo mặc định, đi kèm với một danh sách “Recommended” chứa các hoạt động được đề xuất gần đây liên quan đến tệp hoặc tài liệu. Ngoài ra, còn có hai nút “All apps” và “More” cho phép điều hướng nhanh đến danh sách các ứng dụng được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái.

Hộp tìm kiếm ở đầu menu Start sẽ mở ra bảng Search. Bạn có thể thay đổi thứ tự của các biểu tượng, cũng như thêm hoặc xóa ứng dụng từ đây. Theo Microsoft, Windows 11 không cho phép người dùng thay đổi kích thước và căn chỉnh menu Start vì điều này có thể gây ra “sự xáo trộn trong giao diện tổng thể”.

Điều đáng nói ở chỗ trong email gửi cho cộng đồng người dùng Windows 11 Insider trên trên Release, Beta và Dev channel, Microsoft đã khẳng định rằng menu Start đã và đang được xây dựng dựa trên phản hồi từ người dùng.

Email có tiêu đề “How we built Start” với nội dung chủ yếu xoay quanh việc Microsoft đã tiếp thu ý kiến của người dùng như thế nào để từng bước xây dựng menu Start trên Windows 11 được như hôm nay.

Microsoft khẳng định họ đã lắng nghe phản hồi và thực hiện rất nhiều nghiên cứu xung quanh những câu hỏi đại loại như “menu Start nên căn trái hay căn giữa?”, “Nên có hộp tìm kiếm trong menu Start?”, “Nên bao gồm danh sách tất cả các ứng dụng không?"... Sau khi cân nhắc những câu hỏi như vậy, Microsoft cho biết họ đã tổng hợp tất cả lại để tạo ra trải nghiệm menu Start quen thuộc với thanh tìm kiếm, tài liệu và ứng dụng.

“Các nhà thiết kế của Microsoft đã tạo ra những thiết kế phù hợp với những gì chúng tôi đã nghĩ đến, và điều đó mang lại niềm tin rằng chúng tôi đang đi đúng hướng, xây dựng một sản phẩm mà mọi người thực sự thích".

Tuy nhiên, những tuyên bố có phần “hơi” tự tin của Microsoft đang vấp phải vô số ý kiến phản đối từ cộng đồng người dùng Windows 11. Đa số chỉ trích công ty Redmond vì đã tạo ra một trải nghiệm menu Start buồn tẻ mà không có bất kỳ tùy chọn nào để tùy chỉnh cũng như cá nhân hóa.

Menu Start của Windows 10 thật tuyệt vời vì nó có nhiều khả năng tùy biến. Thay đổi kích thước và nhóm các biểu tượng, đặt chiều rộng và chiều cao như bạn muốn và chọn số lượng biểu tượng trong menu, điều này cho phép tăng tốc quy trình làm việc của tôi. Menu Start của Windows 11 rất hạn chế - thật tệ” một ý kiến bình luận nhận được nhiều sự đồng tình.

Một người dùng khác lặp lại lập luận trên và nói thêm rằng người dùng chỉ muốn "khả năng cá nhân hóa đối với menu Start".

Công bằng mà nói thì menu Start của Windows 10 rõ ràng cung cấp nhiều quyền kiểm soát hơn đối với những gì người dùng có thể tương tác, và điều này thực sự rất tuyệt vời. Tuy nhiên, Windows 11 vẫn đang được phát triển và hoàn thiện, do đó chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của tất cả mọi người. Khoan nói đến việc Microsoft đã lắng nghe người dùng như thế nào, cần đặt ra câu hỏi liệu menu Start hiện tại đã đáp ứng nhu cầu của số đông ra sao. Có phải bất cứ người dùng phổ thông (đối tượng chiếm đa số) cũng thực sự cần đến một menu Start với khả năng tùy chỉnh cao?

Nhìn chung, câu chuyện menu Start của Windows 11 có lẽ sẽ vẫn là vấn đề khiến Microsoft “lao tâm khổ tứ” trong thời gian dài phía trước.

Thứ Ba, 10/05/2022 00:37
51 👨 1.534
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ