Microsoft đã chuẩn bị và phát triển hệ điều hành Windows 7 một cách rất công phu và "khác biệt" với kỳ vọng lấy lại danh tiếng sau cú "vấp ngã mang tên Windows Vista.
Bí mật
Sau khi Microsoft công bố một bản demo rất hạn chế hồi tháng 5/2008, giới truyền thông đầy tò mò và chịu khó “sục sạo” của thế giới đã hoàn toàn “mù tịt” về những gì mà Microsoft đang làm với hệ điều hành mới của họ. Đến tháng 8/2008, một ít thông tin nữa lại được tiết lộ thông qua blog của nhóm các kỹ sư phát triển Windows 7 rồi lại tiếp tục “bặt tăm”. Tháng 10/2008, thế giới công nghệ lại có thêm “một bữa no” tại Hội nghị các nhà phát triển phần mềm chuyên nghiệp do Microsoft tổ chức. Và cho đến tận bây giờ, kể cả khi Microsoft đã cho phép một người dùng được tải về và dùng thử bản Windows 7 beta, thế giới vẫn không thể có được một cái nhìn toàn cảnh về hệ điều hành mới này.
Có thể nói đó là một thành công rất lớn của Microsoft bởi quá trình này hoàn toàn khác biệt với lần Microsoft chuẩn bị phát triển Windows Vista.
Có một điều ít người biết rằng, nhân vật chủ trì dự án phát triển Windows 7 là Steven Sinofsky – một nhân vật rất nổi tiếng với khả năng kiểm soát thông tin, kiểm soát công việc và cả kiểm soát thời gian, người luôn luôn đúng hẹn trong lời hứa giao sản phẩm cho khách hàng. Điều này được ông thể hiện rõ nét nhất qua lần Microsoft tung ra thị trường bản Office 2007. Khi đã biết tên “ông chủ Windows” này thế giới công nghệ mới thôi không thắc mắc là tại sao đến giờ này những thông tin về Windows 7 lại ít ỏi như vậy.
Steven Sinofsky - Phó chủ tịch Microsoft, Giám đốc các dự án phát triển
Windows và công cụ tìm kiếm Windows Live
"Với Windows Vista, trước khi các lập trình viên viết những dòng code đầu tiên, người ta đã bàn tán rôm rả về những tính năng sắp có của nó" Gavriella Schuster, Giám đốc bộ phận quản trị sản phẩm cho khách hàng doanh nghiệp phát biểu, “Kỳ lạ là những thông tin rò rỉ ấy lại phát triển một cách rất rầm rộ và vô căn cứ. Người ta cứ thi nhau nói về những tính năng để rồi chẳng bao giờ thấy nó xuất hiện. Lần này thì khác”.
Theo tiết lộ của Schuster, các nhà quản lý và lãnh đạo của Microsoft đã quyết định đóng cửa với công chúng ngay khi có quyết định phát triển Windows 7. Họ xác định sẽ không công bố sản phẩm mới này sẽ có tính năng gì và “trông nó ra sao” trước khi tất cả mọi thứ đã rõ ràng.
Gắn bó với khách hàng
Điểm khác biệt đáng chú ý nhất trong quá trình phát triển Windows 7 là Microsoft đã “biết” lắng nghe khách hàng một cách thực sự. Kể cả với diện mạo của Windows 7 nên như thế nào, Microsoft cũng đã tiến hành hàng loạt cuộc khảo sát sâu rộng. Ví dụ dễ thấy nhất là trước khi bắt tay vào viết code cho hệ điều hành này, Microsoft đã bỏ ra 6 tháng để nghiên cứu các xu hướng mới của thế giới điện toán. Các cuộc nghiên cứu này bao gồm cả nghiên cứu định tính và định lượng.
Microsoft còn dành thời gian để nói chuyện với hơn 4.000 khách hàng doanh nghiệp tại Mỹ, Anh, Đức, Nhật, Braxin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc để “lắng nghe tâm tư” của họ. Các cuộc nói chuyện này đã giúp Microsoft nhận thấy rằng việc quản lý rủi ro, tính tương thích, tính di động là các mối quan tâm hàng đầu của người dùng cuối. Trong số này: 56% khách hàng nói rằng họ cần giúp đỡ để đảm bảo an toàn cho những chiếc laptop, 61% muốn ngăn chặn việc cài đặt các ứng dụng không được phép và 59% nói rằng họ muốn những nhân viên làm việc từ xa có thể dễ dàng hơn trong việc truy cập vào hệ thống thông tin của doanh nghiệp.
Đây là những cuộc khảo sát công phu và đầy đủ nhất trong lịch sử phát triển các hệ điều hành của Microsoft.
Microsoft thậm chí còn mời một nhóm 27 khách hàng doanh nghiệp lớn nhất của họ tham gia vào quá trình bàn bạc hướng phát triển Windows 7. Tất nhiên những khách hàng này cũng phải ký một cam kết giữ bí mật hoàn toàn những gì họ nghe được ở Microsoft. Thậm chí, những người tham dự các buổi họp bàn này phải là một nhóm cố định, không một ai được thay thế để đảm bảo những thông tin về Windows 7 không bị rò rỉ ra ngoài.
"Chúng tôi còn không được phép ra ngoài hay nói chuyện với nhau hay với các phụ tá của mình mặc dù chúng tôi là những nhà quản lý cấp cao. Trừ một số trường hợp thật đặc biệt và vấn đề cũng thật đặc biệt chúng tôi mới được phép trao đổi" Schuster nói. Có lẽ đó chính là lý do tại sao rất nhiều những nhà quản lý cao cấp của Microsoft cũng không biết một chút gì về Windows 7.
Phép thử của “Làn sóng thứ nhất”
Cho đến nay, một số hãng phần mềm đã được phép tiếp cận với bộ công cụ phát triển phần mềm cũng như đã được phép tải về dùng thử một số phiên bản thừ nghiệm của Windows 7 hay Windows Server 2008 R2. Theo tiết lộ của chính Microsoft, hơn 50 công ty đã được họ cho phép dùng thử các bộ phần mềm hệ điều hành này trong một chiến dịch mang tên “Làn sóng thứ nhất”. Đây cũng chính là nguồn tư liệu thực tế để hãng phần mềm lớn nhất thế giới này “thử phản ứng” của thế giới công nghệ đối với các sản phẩm của họ.
Chính sự thay đổi cơ chế thử nghiệm này đã mang về cho Microsoft một lượng dữ liệu khổng lồ, giúp họ đánh giá một cách chính xác hơn sự hoạt động của Windows 7 và từ đó kịp thời điều chỉnh các quá trình phát triển, hoàn thiện hệ điều hành mới này.
Việc cho phép các công ty phần mềm sớm tiếp cận với bộ công cụ phát triển phần mềm sẽ giúp cho Windows 7 tránh được vết xe đổ của Vista. Theo số liệu thống kê của chính Microsoft, sau khi Windows Vista ra đời được hơn 2 năm, 18% số phần mềm trên thế giới vẫn không thể tương thích với hệ điều hành này bởi nhiều nhà phát triển phần mềm đã lầm tưởng Vista được xây dựng trên nền Windows 5.xxx trong khi đó Microsoft đã sử dụng nền tảng Windows 6.0 từ lâu. Đây cũng chính là lý do chính yếu nhất khiến Windows Vista bị tẩy chay nhiều đến như vậy.
"Đây là một sự cố nhỏ nhưng lại có sức ảnh hưởng rất lớn" Schuster thừa nhận.
Giao diện màn hình của Wondows 7 Beta
Thật may là đến giờ này, thế giới công nghệ đã biết là Windows 7 được xây dựng trên nền Windows 6.1 và Microsoft cũng khuyến cáo các nhà sản xuất phần mềm nên “di trước thời đại” bằng cách đưa nền tảng Windows 6.xxx vào sản phẩm của mình để chúng tương thích tốt hơn với Windows 7 kể cả sau này khi Microsoft ra bản RC1 hay RC 2.
Hiện tại, Microsoft đã đưa Windows 7 vào thử nghiệm chính thức khoảng 1 triệu giờ và lượng dữ liệu mà họ thu được vào khoảng 200 terabyte (1 terabyte = 1024 GB). Đây cũng là lượng dữ liệu thử nghiệm lớn nhất trong các phiên bản Windows của Microsoft.
Tuy vậy, tương lai và sự thành công của hệ điều hành này vẫn là một dấu hỏi mặc dù những kết quả ban đầu khá khả quan vì kinh nghiệm cho thấy Microsoft vẫn thường “chệch choạc” bất chấp những khoản đầu tư khổng lồ. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ và phần mềm, phép thử thực sự của “Làn sóng thứ nhất” chỉ xuất hiện khi Microsoft tung ra bản chính thức và đưa vào sử dụng rộng rãi.