Ban lãnh đạo Microsoft mới đây đã ban hành quy định cấm sử dụng các phiên bản Slack miễn phí (Slack Free) đối với hơn 100.000 nhân viên trong công ty.
Nếu bạn chưa biết, Slack là một công cụ và dịch vụ quản lí làm việc nhóm trực tuyến dựa trên đám mây do Stewart Butterfield thành lập. Có thể tưởng tượng Slack là một “phòng chat” cho toàn bộ nhân viên trong công ty của bạn. Ưu điểm lớn nhất của Slack là đa nền tảng (máy tính, Android, iOS) nên tất cả mọi người trong công ty của bạn có thể chat nhóm với nhau bất kể họ dùng thiết bị gì đi nữa.
Theo báo cáo, các nhà lãnh đạo tại Redmond đã xây dựng xong một danh sách các ứng dụng và dịch vụ bị cấm cũng như hạn chế sử dụng trong nội bộ công ty. Trong danh sách này thậm chí còn có cả Amazon Web Services (AWS) và Google Docs (không khuyến khích sử dụng) - 2 nền tảng đang cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm của Microsoft.
Dịch vụ quản lí làm việc nhóm trực tuyến Slack
Lệnh cấm lần này đối với Slack được cho là bắt nguồn từ những lo ngại của giới lãnh đạo Microsoft đối với các khía cạnh bảo mật của Slack Free và Slack Plus. Một văn bản mô tả tình huống ban hành lệnh cấm (lưu hành nội bộ) đã được tiết lộ có đề cập đến thông tin sau:
“Các phiên bản Slack Free, Slack Standard và Slack Plus không cung cấp đủ những điều khiển cần thiết để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (IP) của Microsoft. Các nhân viên Microsoft hiện đang sử dụng những giải pháp nêu trên nên bắt đầu tiến hành di chuyển lịch sử trò chuyện và các tệp liên quan đến công ty sang Microsoft Teams ngay từ bây giờ. Microsoft Teams cung cấp các tính năng tương tự cũng như những ứng dụng Office 365 tích hợp, chức năng gọi điện và họp trực tuyến. Hãy dành thời gian tìm hiểu thêm về những tính năng bổ sung mà Teams có thể hỗ trợ cho nhóm làm việc của bạn. Đối với các nhân viên đang sử dụng Slack Enterprise Grid, phiên bản này tuân thủ tương đối đầy đủ yêu cầu bảo mật của công ty, tuy nhiên, ban lãnh đạo vẫn khuyến khích các bạn sử dụng Microsoft Teams của chúng ta thay vì một phần mềm cạnh tranh tới từ đối thủ”.
Microsoft Teams
Từ thông báo trên, có thể hiểu rằng nhân viên Microsoft vẫn được phép sử dụng Slack Enterprise Grid, nhưng phía công ty không khuyến khích làm như vậy và họ có thể phải chịu trách nhiệm nghiêm khắc trong trường hợp có sự cố xảy ra. Suy cho cùng, Microsoft vẫn muốn hướng nhân viên của mình chuyển sang sử dụng Microsoft Teams 100% thay vì các công cụ của đối thủ như hiện nay.
Trong một thông tin liên quan, cả 2 nền tảng AWS và Google Docs cũng đã “rơi vào tầm ngắm” của ban lãnh đạo Microsoft. Các nhân viên sử dụng 2 nền tảng nêu trên sẽ phải đưa ra được lý do đủ sức thuyết phục. Bên cạnh đó, GitHub - nền tảng do chính Microsoft sở hữu cũng không được khuyến khích sử dụng đối với các loại thông tin có “mức độ bảo mật cao, thông số kỹ thuật hoặc mã bảo mật”.
Microsoft không khuyến kích nhân viên sử dụng sản phẩm của Google
Bên cạnh đó, Microsoft cũng đã cấm hoàn toàn việc sử dụng công cụ Grammarly trong nội bộ công ty - đây là ứng dụng kiểm tra văn bản và kiểm tra ngữ pháp có thể giám sát mọi tổ hợp phím rất được ưa chuộng trong môi trường doanh nghiệp. Nội dung thông báo như sau:
“Các nhân viên không nên sử dụng tiện ích mở rộng và bổ trợ trình duyệt Grammarly Office trên hệ thống mạng nội bộ của công ty, bởi chúng có thể truy cập vào những nội dung được bảo vệ bởi Biện pháp quản lý bản quyền nội dung thông tin (IRM) trong email và tài liệu”.
Microsoft và Oracle cùng “song kiếm hợp bích” chống lại Amazon trong cuộc chiến điện toán đám mây
Microsoft đã sẵn sàng cho một chiến dịch cạnh tranh mới?
Danh sách dịch vụ bị cấm của Microsoft rất có sẽ tạo ra sự thay đổi lớn và sâu rộng đối với các vấn đề liên quan đến bảo mật. Tuy nhiên việc cấm sử dụng ngay lập tức sẽ khiến nhân viên của Microsoft gặp nhiều khó khăn bởi họ vẫn cần sử dụng các dịch vụ cạnh tranh nêu trên để bổ trợ cho sản phẩm của chính họ, cũng như tiếp cận với thị trường rộng lớn hơn. Như vậy, để có quyền tiếp tục truy cập và sử dụng các dịch vụ đối thủ như AWS hoặc Google Docs, nhân viên Microsoft phải chuyển bị thật tốt phương án giải trình đủ sức thuyết phục đối với ban lãnh đạo công ty.
Trong vài năm trở lại đây Microsoft và Slack đã cùng tạo ra một cuộc đua song mã hấp dẫn trong thị trường ứng dụng giao tiếp cấp doanh nghiệp. Sau một thời gian dài hụt hơi và để mất kha khá thị phần vào tay đối thủ, Microsoft đã đưa ra những chiến lược hiệu quả nhằm thu hẹp khoảng cách với đối thủ, và có lẽ những quy định cấm nêu trên chính là phát súng hiệu cho biết gã khổng lồ Redmond đã sẵn sàng cho một chiến dịch cạnh tranh mới, mạnh mẽ hơn.