Căng thẳng giữa Trung Quốc với Đài Loan và Hoa Kỳ đã leo thang nhanh chóng sau chuyến thăm của chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đến Đài Bắc ngày 2/8 vừa qua. "Động thái này cực kỳ sai lầm và hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Trung Quốc sẽ không ngồi yên". Trong vài năm gần đây, Bắc Kinh không ngừng tuyên bố Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết.
Trước sự tình hình đó, Apple chính là một trong những ông lớn công nghệ rơi vào hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, hay nói đúng hơn là mắc kẹt giữa căng thẳng Đài Loan - Trung Quốc. Điều này nghiêm trọng đến mức báo cáo gần đây cho rằng căng thẳng chính trị đang diễn ra có thể khiến kế hoạch phát hành iPhone 14 series của Apple trong tháng 9 tới buộc phải hoãn vô thời hạn.
Sở dĩ việc những căng thẳng chính trị gia tăng này ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch ra mắt dòng iPhone 14 là bởi Apple đã bàn giao gần như hoàn toàn việc sản xuất chipset trên các sản phẩm của mình cho tập đoàn bán dẫn khổng lồ TSMC của Đài Loan. Đồng thời, Trung Quốc lại là nơi đặt trụ sở của hầu hết các nhà cung cấp linh kiện cho iPhone.
Theo quy định mới được ban hành, phía Trung Quốc yêu cầu bất kỳ bộ phận và linh kiện nào do Đài Loan sản xuất khi nhập khẩu vào đại lục sẽ đều phải được dán nhãn “Taiwan, China” (Đài Loan, Trung Quốc) hoặc “Chinese Taipei” (Đài Bắc Trung Hoa). Quy định này thực thi quan điểm của Trung Quốc rằng Đài Loan là “một phần lãnh thổ không thể tách rời”. Mọi trường hợp không tuân thủ các quy định trên đều có thể bị cơ quan hải quan Trung Quốc xem xét thu giữ và xử phạt. Mức phạt tối đa lên tới 4.000 nhân dân tệ (xấp xỉ 592 USD), và thậm chí có thể bị từ chối thông quan cũng như vận chuyển.
Mới đây, Apple đã bày tỏ quan điểm với các đối tác cung ứng linh kiện tại Đài Loan rằng họ phải tuân thủ các quy định mới về nhãn mác xuất xứ sản phẩm từ Trung Quốc.
Tuy nhiên về phía Đài Loan, cơ quan quản lý hòn đảo cũng yêu cầu tất cả các mặt hàng xuất khẩu phải có nhãn ghi xuất xứ của lô hàng, có nghĩa là chúng cần được đóng dấu "Taiwan". Trong khi, đó chính xác là điều mà phía Hải quan Trung Quốc không muốn thấy.
Trên thực tế, hàng loạt lô hàng linh kiện từ Đài Loan đến nhà máy Pegatron ở Tô Châu, Trung Quốc, nơi sản xuất chính của hàng loạt các công ty công nghệ Mỹ, đã bị Bắc Kinh tạm dừng. Những lô hàng này đang bị hải quan giữ lại khi kiểm tra chứng từ vận chuyển để tìm bất kỳ thông tin nào đề cập đến Đài Loan (Taiwan) hoặc “Cộng hòa Trung Hoa” (Republic of China).
Chuỗi cung ứng linh kiện của Apple có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những động thái nêu trên từ cả Đài Loan và Trung Quốc. Đây là một vấn đề cấp bách, đặc biệt trong bối cảnh dòng iPhone 14 mới đang trong giai đoạn lắp ráp để kịp lên kệ cuối năm theo kế hoạch. Do đó, viễn cảnh iPhone 14 bị trì hoãn ra mắt “vô thời hạn” là hoàn toàn có thể xảy ra. Trong một nỗ lực duy trì chuỗi cung ứng, Apple đã cảnh báo các đối tác cung cấp linh kiện có trụ sở tại Đài Loan nên chuẩn bị một số phương án dự phòng.