Nikon có tới 4 ống 50mm với các ưu và nhược khác nhau và có giá bán từ 135 USD tới 550 USD.
Tiêu cự 50mm đang trở nên rất thông dụng với hầu hết các nhiếp ảnh gia, từ nghiệp dư tới chuyên nghiệp bởi nó gọn nhẹ, độ mở lớn, chất lượng đáng tin cậy và có góc nhìn tương tự như mắt người (khi được lắp trên các máy full-frame).
Với việc ra mắt ống mới Nikkor 50mm f/1.8G, Nikon đã bổ sung cho dòng ống prime 50mm của mình lên 4 phiên bản (hai bản dòng D, hai bản dòng G), trong đó ba phiên bản trước lần lượt là 50mm f/1.4G, 50mm f/1.8D và 50mm f/1.4D.
Một trong những khác biệt lớn nhất giữa dòng D và dòng G là các ống kính dòng G được tích hợp mô-tơ siêu êm Silent Wave Motors, trong khi các ống dòng D phải phụ thuộc vào mô-tơ nét trên thân máy.
Dưới đây là bảng so sánh cấu hình của 4 ống kính
50mm f/1.4G | 50mm f/1.8G | 50mm f/1.4D | 50mm f/1.8D | |
Giá thành | 550 USD | 217 USD | 355 USD | 135 USD |
Độ mở lớn nhất | f/1.4 | f/1.8 | f/1.4 | f/1.8 |
Độ mở nhỏ nhất | f/16 | f/16 | f/16 | f/22 |
Kích thước | 7,3 x 5,3 cm | 7,1 x 5,3 cm | 6,35 x 3,8 cm | 6,35 x 3,8 cm |
Trọng lượng | 280g | 185g | 229g | 155g |
Số thấu kính | 8 thấu kính/7 nhóm | 7 thấu kính/6 nhóm | 7 thấu kính/6 nhóm | 6 thấu kính/5 nhóm |
Số lá thép độ mở | 9 | 7 | 7 | 7 |
Ngày ra mắt | 12/2009 | 06/2011 | 1995 | 03/2008 |
Nước sản xuất | Trung Quốc | Trung Quốc | Trung Quốc | Trung Quốc |
Điểm đặc biệt | Ống duy nhất có 9 lá thép | Ống duy nhất có thấu kính aspherical | Chất lượng hình ảnh tốt nhất | Ống duy nhất khép độ mở tới f/22 |
Nikon 50mm f/1.4G - chủ nghĩa hoàn hảo
Ống kính Nikon 50mm f/1.4G đắt và nặng nhất. (Ảnh: Popphoto).
Đắt và nặng nhất trong số này là ống 50mm f/1.4G đang được bán với giá khoảng 550 USD. Ống này được trang bị nhiều thấu kính hơn (8 thấu kính / 7 nhóm) và là ống duy nhất có 9 lá thép độ mở, hứa hẹn cho bokeh đẹp hơn so với các ống còn lại.
Ống 50mm f/1.4G rất thích hợp với các thân D3000, D3100, D5000, D5100 hay thậm chí là D3, phù hợp cho cả giới nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp, miễn có thể chịu đựng được mức giá này. Tuy nhiên, nếu không quá cầu kỳ cần độ mở lớn hay ngân sách hạn hẹp, người dùng có thể chọn bản 50mm f/1.8G có mức giá rẻ hơn.
Mặc dù về chất lượng ống kính, có thể nói cả phiên bản f/1.4 dòng D và dòng G đều "một chín một mười", nhưng thử nghiệm cho thấy dù ra đời trước, ống dòng D vẫn qua mặt dòng G xét về kích cỡ cũng như chất lượng hình ảnh trên toàn dải độ mở, dù sự khác biệt này cũng khó có thể dễ dàng phân biệt được.
Nikon 50mm f/1.8G - lính mới
Nikon 50mm f/1.8G là ống duy nhất được trang bị thấu kính aspherical. (Ảnh: Popphoto).
Đây là phiên bản ra đời muộn nhất nhưng cũng là ống duy nhất được trang bị thấu kính aspherical giúp giảm thiểu hiện tượng quang sai màu hay viền tím vốn vẫn thường xảy ra đối với các ảnh chụp với độ mở lớn.
Do tích hợp sẵn motor nét, ống này hoạt động hoàn hảo trên hầu khắp thân máy Nikon, phù hợp cho mọi đối tượng muốn thử nghiệm công nghệ ống kính mới nhất của hãng và sẵn sàng hy sinh 1/2 stop.
Nikon 50mm f/1.4D - ống kính chuyên quay video
Nikon 50mm f/1.4D có mặt trên thị trường từ những năm 90. (Ảnh: Popphoto).
Mặc dù ra thị trường từ thập kỷ 90 với thiết kế thấu kính còn cổ hơn, từ những năm 1970, nhưng đây vẫn là ống kính sáng giá cho quay video, nhất là video HD nhờ chất lượng của nó.
Đó cũng chính là lý do tại sao Nikon 50mm f/1.4D vẫn là một trong những ống kính lâu đời nhất tiếp tục được sản xuất.
Không giống như ống dòng G, vòng lấy nét trên các ống dòng D có điểm dừng (không tiếp tục quay khi tới hạn, trong khi dòng G vẫn xoay bình thường).
Một trong những điểm khiến cho dòng D thích hợp với video hơn dòng G là các ống kính dòng D có thêm vòng chỉnh độ mở rời, giúp thao tác thay đổi độ mở dễ dàng và thuận tiện hơn nhiều.
Nikon 50mm f/1.8D - kinh tế
Nikon 50mm f/1.8D rẻ nhất. (Ảnh: Popphoto).
Mặc dù rẻ nhất, nhưng không có nghĩa ống kính 50mm f/1.8D có chất lượng tồi nhất. Cần lưu ý, đây là phiên bản duy nhất có thể khép khẩu xuống tới f/22 trong khi các ống khác chỉ dừng ở f/16.
Tương tự như Nikon 50mm f/1.4D, 50mm f/1.8D cũng được xây dựng trên cơ sở phát triển từ một dòng cũ trước đó dù không cũ bằng (phiên bản 1991 thay vì từ thập kỷ 70).
Mặc dù chất lượng ảnh cũng rất xuất sắc so với bản đàn anh nếu ảnh chỉ ở kích cỡ thường, nhưng khi phóng lớn, sự khác biệt về chất lượng hình ảnh giữa hai phiên bản này sẽ càng rõ rệt.
Tuy được trang bị các thấu kính chất lượng cao, nhưng bản thân lớp thấu kính lại được đặt trong lớp vỏ nhựa rẻ tiền nên không phù hợp để quay video do thao tác lấy nét tay không được mượt.
Do là ống cũ và lại không tích hợp motor nét nên giống như đàn anh dòng D, phiên bản này sẽ gặp hạn chế với những thân máy Nikon đời cao. Nhưng đối với những người dùng thân máy cũ như D90, D7000, D300, D300s, D700 hay D3, D3x hoặc D3s và muốn tìm ống kính hợp túi tiền, đây vẫn sẽ là sự lựa chọn vô cùng sáng giá.