Vấn đề chống độc quyền trên các nền tảng kỹ thuật số đang trở thành chủ đề được bàn luận sôi nổi trong thế giới công nghệ thời gian gần đây, đặc biệt là sau vụ lùm xùm giữa Apple và Epic Games về các chính sách thu phí dịch vụ mà công ty Cupertino áp đặt đối với các nhà phát triển ứng dụng trên Apple Store.
- Sau Fortnite, Apple vừa xóa toàn bộ ứng dụng của Epic Games khỏi App Store
- Apple phản đòn: Cô lập Epic Games, vô hiệu hóa tính năng 'Sign in with Apple' đối với toàn bộ tài khoản người dùng Epic Games
Hiện tại, Táo Khuyết đang duy trì chính sách tính phí 30% doanh thu từ mỗi ứng dụng trả phí hoặc hoạt động giao dịch kỹ thuật số trong ứng dụng trên App Store. Khoản phí này có thể giảm xuống 15% sau năm đầu tiên nếu ứng dụng có người dùng đăng ký thuê bao theo năm. Nhiều lập trình viên, nhà phát triển ứng dụng cho rằng Apple đang tính phí quá cao và khiến lợi nhuận và sức cạnh tranh của họ giảm đi đáng kể.
Tuy nhiên, Apple Store cũng đóng vai trò cực kỳ quan trong giúp kết nối người dùng với ứng dụng thông qua các chính sách hỗ trợ của nền tảng. Vấn đề đặt ra ở đây là liệu những lợi ích mà nền tảng cửa hàng ứng dụng trực tuyến của Apple mang lại cho các nhà phát triển có đáng với mức phí 30% trên tổng doanh thu của ứng dụng hay không.
Các nhà phát triển (phát hành) ứng dụng thực sự nhận được gì từ Apple Store?
Apple định vị giá trị thị trường của mình dựa trên một số lợi ích chính: Tính đa nền tảng - bao gồm Apple Watch, Apple TV, iOS, iPad và Mac, khả năng tiếp cận người dùng tiềm năng trên toàn thế giới, hỗ trợ phân tích doanh thu, xử lý tất cả vấn đề liên quan đến thanh toán, và miễn phí lưu trữ. Theo số liệu thống kê, sự kết hợp giữa tính đa nền tảng và khả năng tiếp cận người dùng đã giúp mang về cho các ứng dụng Apple Store hơn 500 tỷ đô la vào năm 2019.
Nếu bạn đang điều hành một ứng dụng thuê bao trả phí, Apple cũng cho biết họ có các công cụ cần thiết để giúp bạn thành công, bao gồm hỗ trợ giảm thiểu tình trạng gián đoạn, Churn Rate (tỷ lệ khách hàng rời bỏ), tăng giá, ưu đãi và một số công cụ khác đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và duy trì cơ sở người dùng đăng ký trả phí.
Thứ mà nhà phát triển nhận được có đáng với chi phí phải trả?
Hãy xem xét kỹ hơn một số lợi ích dành cho các doanh nghiệp đăng ký bán sản phẩm kỹ thuật số trên App Store và thực hiện những ước tính đơn giản để xem liệu Apple có thể giúp họ kiếm bao được nhiêu tiền thông qua nền tảng này.
Đầu tiên, nhà phát hành ứng dụng có thể tiếp cận lượng lớn người dùng toàn cầu trên hệ sinh thái của Apple bằng cách nào? Bán sản phẩm ở các khu vực quốc tế đi kèm với một loạt thách thức bao gồm quy đổi tiền tệ, thuế và nhiều yêu cầu pháp lý khác. Mỗi nhà phát triển đều sẽ cần đến một nền tảng để giúp giải quyết những thách thức này, hay nói cách khác để thay họ giải quyết những yếu tố nằm ngoài chuyên môn. App Store chính là đơn vị đảm nhận trọng trách này.
Đó là còn chưa kể đến nhiều lý do có thể xảy ra dẫn đến tình trạng thâm hụt đối với số lượng thuê bao đăng ký dịch vụ (tỷ lệ khách hàng rời bỏ), bao gồm thẻ tín dụng hết hạn, gian lận và hạn mức thẻ. Nếu nhà phát hành không làm gì để giải quyết những vấn đề kiểu này, họ có thể mất khoảng 3% người đăng ký mỗi tháng. Trong khi nếu họ sử dụng một nền tảng như App Store, con số đó sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 1%.
Ngoài ra thống kê cho thấy đối với một ứng dụng hiện đang hoạt động ở Hoa Kỳ thông qua nền tảng App Store, lượng người dùng tiềm năng có thể tăng 40% khi mở rộng sang các quốc gia khác sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức.
Xây dựng mô hình doanh thu thuê bao trả phí đơn giản
Hãy gắn những lợi ích này vào một mô hình đăng ký trả phí đơn giản đối với một ứng dụng nhỏ. Bạn bắt đầu một năm kinh doanh với 1.000 khách hàng thuê bao, với mức phí là 4,99 USD một tháng. Bạn hiện có trung bình 100 khách hàng trả phí đăng ký mới mỗi tháng, không có biện pháp giảm thiểu tình trạng thâm hụt đối với số lượng thuê bao đăng ký dịch vụ và tỷ lệ hủy đăng ký là 6%. Như vậy vào cuối năm, ứng dụng của bạn sẽ kiếm được khoảng 62.500 USD.
Bây giờ, giả sử bạn đưa ứng dụng của mình lên App Store và các biện pháp hỗ trợ hạn chế thâm hụt thuê bao đăng ký dịch vụ do nền tảng này cung cấp, giảm tỷ lệ khách hàng rời bỏ hàng tháng từ xuống 1%. Kết quả là doanh thu cuối năm của ứng dụng sẽ tăng lên mức 67.600 USD.
Bây giờ, tiếp tục giả sử bạn không chỉ mở bán ứng dụng ở Hoa Kỳ mà còn hướng tới cả các quốc gia nói tiếng Anh khác, đạt được mức tăng trưởng 40% về người dùng. Đến cuối năm, bạn sẽ kiếm được 78.500 USD doanh thu.
Như vậy với sự trợ giúp từ Apple Store, ứng dụng của bạn đã có thêm ít nhất 25% doanh thu. Con số thực tế có thể nhiều hay ít hơn còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
Trên thực tế, chia sẻ doanh thu là một quy tắc kinh doanh phổ biến, 30% cũng là tỷ lệ thường thấy trong lĩnh vực nội dung số. Không chỉ Apple mà cả các niền tảng lớn khác như Play Store hay PlayStation đều áp dụng tỷ lệ này.
Rõ ràng là các nhà phát triển không thể mong chờ một nền tảng của hàng ứng dụng miễn phí. Tuy nhiên trong một số trường hợp, mức phí 30% sẽ tạo ra gánh nặng khá lớn cho các nhà phát triển trong việc bù đắp thu chi.
Trước sự phát triển của hình thức chơi game trên các nền tảng đám mây, cùng sự cạnh tranh ngày càng tăng trong thế giới phần mềm vốn đang ngột ngạt, các công ty như Apple sẽ phải cân nhắc nhiều hơn đối với mức phí 30% mà họ áp đặt trên nền tảng cửa hàng ứng dụng của mình. Nếu không, những vụ việc như của Epic Games sẽ chỉ là sự khởi đầu cho một “cuộc cách mạng lớn” nếu các nhà phát triển thực sự đoàn kết.