Bị lộ CCCD là tình huống thường xuyên xảy ra và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro như nguy cơ bị lừa đảo, sử dụng thông tin làm chuyện bất chính…
Vậy, lộ CMND, CCCD nguy hiểm như thế nào? Cần làm gì bị lộ thông tin CCCD giảm thiểu thiệt hại (nếu có) ở mức tối thiểu?
Mục lục bài viết
Lộ CMND, CCCD nguy hiểm như thế nào?
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Đầu tiên, khi để lộ CMND, CCCD ngoài số định danh công dân bạn sẽ để lộ một loạt thông tin quan trọng như ngày sinh, nơi sinh, giới tính... Khi nắm được những thông tin này, kẻ xấu có thể giả làm các cơ quan như công an, viện kiểm sát, Tòa án... gọi điện tới bạn để hù dọa rằng bạn có liên quan tới các vụ án nghiêm trọng.
Do nắm được thông tin rõ ràng về bạn nên kẻ xấu sẽ dễ dàng khiến bạn tin tưởng câu chuyện chúng bịa ra. Từ đó, chúng yêu cầu bạn chuyển tiền vào tài khoản để chứng minh mình vô tội sau đó chiếm đoạt.
Giả danh bạn để lừa đảo người khác
Kẻ xấu cũng có thể sử dụng hình ảnh CMND, CCCD bị lộ để tạo tài khoản trên các nền tảng thanh toán trực tuyến. Kết hợp với SIM điện thoại đi thuê, hoặc mua SIM rác, email rác, kẻ xấu có thể dễ dàng tạo ra một tài khoản thanh toán với thông tin của bạn.
Sau đó, chúng có thể dùng tài khoản này để đi lừa đảo hoặc nhận mã khuyến mãi sau đó bán lại để trục lợi.
Ví dụ điển hình của phương thức lừa đảo này chính là vụ việc liên quan tới hacker HieuPC. HieuPC tên thật là Ngô Minh Hiếu, hacker từng phải ở tù tại Mỹ vì có hành vi đánh cắp thông tin của người Mỹ sau đó bán lại cho những kẻ có nhu cầu.
Trước khi về Việt Nam, câu chuyện của Hiếu được đăng tải rộng rãi trên báo chí kèm theo cả bức ảnh chụp hộ chiếu của anh. Ngay lập tức, kẻ xấu đã lợi dụng thông tin bị lộ của Hiếu để đăng ký tài khoản Momo và dùng nó để lừa đảo những người nhẹ dạ cả tin. Không ít người đã chuyển tiền cho HieuPC giả để mua các tài liệu bảo mật vốn được HieuPC thật chia sẻ miễn phí.
Bị sử dụng thông tin cá nhân để đi vay nợ
Cuối cùng, kẻ xấu có thể dùng thông tin của bạn để đi vay tín chấp, vay online hoặc mở thẻ tín dụng... Điều này khiến nhiều người gặp rắc rối hoặc bị đòi nợ mà không hiểu mình đã vay nợ từ khi nào.
Làm gì khi bị lộ thông tin CCCD?
Thu hồi ảnh CMND/CCCD ngay khi gửi nhầm
Cần nhanh chóng thu hồi ngay tin nhắn nếu lỡ tay gửi ảnh CMND/CCCD của mình cho người khác qua mạng xã hội như facebook, zalo,… bằng cách nhấn giữ vào tin nhắn một lúc, sau đó chọn thu hồi.
Tuy nhiên, cách này chỉ hiệu quả nếu người nhận chưa đọc được tin nhắn, hoặc đã đọc tin nhắn nhưng chưa lưu ảnh CMND/CCCD về máy.
Kiểm tra thông tin mở tài khoản ngân hàng và các khoản vay tài chính
Kẻ xấu có thể sử dụng các thông tin trên CMND/CCCD lấy được để đăng ký mở tài khoản ngân hàng, vay tín dụng hoặc nhằm các mục đích xấu khác.
Để kiểm tra số CMND/CCCD đã đăng ký tài khoản ngân hàng hay chưa, cách duy nhất là gọi điện tới tổng đài chăm sóc khách hàng của từng ngân hàng. Sau đó, cung cấp thông tin về số CMND/CCCD và yêu cầu nhân viên hỗ trợ về tài khoản ngân hàng.
Ngoài ra, cá nhân có thể tự kiểm tra có bị giả thông tin để vay nợ hay không, thông qua trung tâm Thông tin Tín dụng CIC - tổ chức trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bằng cách truy cập địa chỉ https://cic.gov.vn/ hoặc tải ứng dụng CIC Credit Connect trên điện thoại.
Đổi mật khẩu các tài khoản quan trọng
Để đảm bảo an toàn, tránh mất mát dữ liệu và tài sản cá nhân, người dùng sau khi phát hiện bị lộ CCCD nên đổi mật khẩu các tài khoản quan trọng như ngân hàng, mạng xã hội, email…
Làm thế nào để đảm bảo an toàn cho thông tin cá nhân?
Theo các chuyên gia, để đảm bảo an toàn cho thông tin cá nhân bạn không nên chia sẻ công khai tất cả mọi thứ về bản thân mình trên mạng xã hội. Không nên cung cấp, chia sẻ ảnh chụp CMND, CCCD một cách tùy tiện. Tránh mua SIM rác, SIM đã từng qua sử dụng vì nó có thể đã được dùng để vay online hoặc cho những mục đích xấu.