Sử dụng lý thuyết kinh tế về sức mua tương đương (PPP), trang Mobile Unlocked đã đưa ra bản đồ giá của iPhone trên thế giới. Nếu xét theo nguyên tắc PPP, giá iPhone ở Việt Nam đắt thứ nhì trên thế giới.
Trong khi đó, người dân Jordan phải bỏ ra nhiều tiền nhất để mua iPhone 5s với giá 771,4 JOD, tương đương với 23 triệu đồng, đắt hơn giá tại Mỹ tới 54%.
Tất nhiên, giá cao hay thấp chỉ cho thấy phần nào bức tranh toàn cảnh. Chỉ đến khi bạn đưa giá iPhone về thu nhập bình quân đầu người của một nước, bạn mới biết được thực sự chiếc smartphone này đắt hay rẻ tại quốc gia đó.
Hàng năm, tạp chí Economist theo dõi giá bánh Big Mac của McDonald trên thế giới để đánh giá đồng tiền của một quốc gia dựa trên nguyên tắc sức mua tương đương. Các nhà kinh tế học tính xem cùng một lượng hàng của cùng một thứ hàng hóa khi bán ở hai nước khác nhau bằng đơn vị tiền tệ của hai nước đó thì số tiền phải bỏ ra sẽ như thế nào. Bánh Big Mac được tờ Economist chọn vì tính phổ biến của nó.
Bằng phương pháp tương tự, Mobile Unlocked cũng tạo ra chỉ số giá so sánh giá của iPhone 5s với GDP bình quân đầu người – thước đo về lượng GDP mà một người dân trung bình của quốc gia đó tạo ra. Bằng nguyên tắc PPP, chúng ta có thể biết được giá của iPhone chiếm bao nhiêu phần thu nhập trung bình của một người.
Theo đó, iPhone "đắt" nhất tại Ấn Độ khi chiếm tới 22,3% của GDP bình quân đầu người. Đứng thứ hai là Việt Nam – 19,8%. Jordan theo sau, xếp thứ ba ở 18,3% GDP bình quân đầu người.
Mặc dù được sản xuất ở Trung Quốc tại nhà máy Foxconn, giá iPhone 5s chiếm 9,6% GDP đầu người tại nước này. So với chỉ số là 2,4% tại Anh và 1,4% tại Mỹ, rõ ràng người Việt và Trung Quốc có nhu cầu dành cho iPhone ở mức hết sức ấn tượng.