Việt Nam có Internet vệ tinh nhưng ít và đắt đỏ

4 trên 5 tuyến cáp quang biển của Việt Nam gặp sự cố, chỉ còn SMW3, tuyến cáp quang sắp đến hạn thanh lý, một mình 'gánh còng lưng' lưu lượng quốc tế của Việt Nam. Nhiều người không khỏi thắc mắc tại sao không dùng Internet vệ tinh nhưng giải pháp này chưa phổ biến, và giá cước khá đắt đỏ, lên đến hàng triệu đồng.

Trên thực tế, tại Việt Nam chỉ có một đơn vị duy nhất sở hữu mạng thông tin vệ tinh là VNPT. Nhà mạng này cung cấp các dịch vụ viễn thông trên nền giao thức IP bằng cách sử dụng các trạm vệ tinh cỡ nhỏ VSAT (Very Small Aperture Terminal) có đường kính ăng-ten từ 1,2m đến 3m và hệ thống thông tin vệ tinh băng rộng Vinasat.

Vệ tinh Vinasat

Để sử dụng được dịch vụ Internet vệ tinh này người dùng sẽ cần mua thiết bị kết nối mạng, lắp bên ngoài căn nhà. Dịch vụ VSAT-IP của VNPT có cước từ 1,6 đến 5,25 triệu đồng mỗi tháng, cho phép khách hàng truy cập Internet qua đường vệ tinh với tốc độ tối thiểu 384 Kbps.

Từ tháng 6/2008, vệ tinh Vinasat-1 bắt đầu cung cấp dịch vụ và đến nay sử dụng hết dung lượng. Vào năm 2012, vệ tinh Vinasat-2 được sử dụng để mở rộng thêm dung lượng cho Vinasat-1.

Tháng 4/2021, Viettel cũng đề xuất triển khai thí điểm dịch vụ Internet vệ tinh bằng chùm vệ tinh quỹ đạo thấp (LEO) khoảng cách từ 800 đến 1.600 km, có chi phí xây dựng và phóng vệ tinh thấp. Do hoạt động ở tầm gần Internet được cung cấp bởi LEO sẽ cho tốc độ cao, độ trễ thấp và băng thông lớn hơn.

Tuy nhiên, loại vệ tinh này lại có nhược điểm là vòng đời ngắn, chỉ từ 5 đến 7 năm và bộ thu phát có giá cao.

Như vậy, thách thức đầu tiên cho việc mở rộng dịch vụ Internet vệ tinh tại Việt Nam là giá.

Với kết nối Internet băng rộng cố định, người dùng Việt được miễn phí thiết bị đầu cuối, gói cước có giá khoảng dưới 200 nghìn đồng cho băng thông trên 100 Mbps. Trong khi đó dịch vụ vệ tinh của VNPT cũng có mức giá thấp nhất 1,6 triệu đồng cho thuê bao tháng.

Việc triển khai Internet vệ tinh tại Việt Nam cũng như các yêu cầu về đảm bảo chất lượng, an toàn, an ninh cũng gặp nhiều khó khăn.

Hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ tiềm lực để tự triển khai chùm vệ tinh quỹ đạo thấp mà phải sử dụng và phụ thuộc vào hệ thống vệ tinh có sẵn của các công ty nước ngoài.

Trong khi đó, các dịch vụ Internet vệ tinh nước ngoài như Starlink được xếp vào dịch vụ xuyên biên giới, phải tuân thủ quy định trong Luật Viễn thông.

Thứ Tư, 15/02/2023 08:05
52 👨 1.395
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ