SMW3, tuyến cáp quang sắp đến hạn thanh lý, một mình 'gánh còng lưng' lưu lượng quốc tế của Việt Nam

Internet Việt Nam hiện phụ thuộc chính vào 5 tuyến cáp quang biển gồm gồm SMW3, AAG, IA, APG, AAE-1. Tuy nhiên, trong 3 tháng gần đây, 4 tuyến lần lượt đứt một phần hoặc toàn bộ khiến dung lượng Internet Việt Nam đi quốc tế bị ảnh hưởng.

Hiện tại, 4 tuyến cáp quang đang gặp sự cố cùng lúc, chỉ còn SMW-3 là tuyến cáp quang biển duy nhất còn nguyên vẹn, giữ kết nối Internet qua biển cho hơn 70 triệu người dùng Việt Nam. Tuy nhiên, tuyến cáp này lại sắp đến hạn thanh lý.

SMW-3 sẽ kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình vào năm 2024 sau 25 năm hoạt động theo niên hạn được khuyến nghị.

Tuyến SMW-3, được đưa vào hoạt động từ năm 1999.
Tuyến SMW-3, được đưa vào hoạt động từ năm 1999.

Ngày 3/2 vừa qua, philBE, nhà quan sát chuyên theo dõi hệ thống cáp ngầm toàn cầu đã chia sẻ trên Twitter” Tội nghiệp SMW-3 cũ kỹ và sắp ngừng hoạt động lại đang phải một mình gồng gánh lưu lượng quốc tế của Việt Nam”.

Đây là lần thứ hai trong 24 năm hoạt động, SMW-3 phải gánh trách nhiệm nặng nề này. Lần đầu năm 2007, khi một trong hai tuyến cáp của Việt Nam bị cắt trộm, số người dùng Internet Việt Nam chỉ 17,7 triệu. Và lần này, khi 4 trên 5 tuyến cáp quang biển cùng lúc gặp sự cố nhưng số người dùng đã tăng hơn 4 lần, đặt áp lực lớn lên sợi cáp già nua này.

Và hệ quả tất yếu là chất lượng Internet trong vài tuần sẽ có hiện tượng chập chờn, chậm cục bộ một số dịch vụ.

Trong giai đoạn hoạt động ổn định, Việt Nam đứng thứ 46 trên tổng số gần 180 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng về tốc độ Internet băng rộng cố định đạt 82 Mb/giây, còn Internet di động là 42 Mb/giây, đứng thứ 51.

Tốc độ Internet trên máy tính chiều ngày 30.1.2022, khi 4/5 tuyến cáp quang biển cùng đứt . Ảnh: Anh Vũ.
Tốc độ Internet trên máy tính chiều ngày 30.1.2022, khi 4/5 tuyến cáp quang biển cùng đứt . Ảnh: Anh Vũ.

“Sợi chỉ” giữa đại dương

Điều này cho thấy, điểm yếu của Internet Việt Nam là nằm ở khả năng ứng phó trong tình huống khẩn cấp.

Những sợi cáp quang biển đường kính 7cm với 8 lớp bọc vốn như “sợi chỉ” mong manh giữa đại dương lại nắm giữ 99% lưu lượng truyền thông tin xuyên lục địa của Việt Nam.

Trong khi đó, biển Đông là một trong những vùng có hoạt động hàng hải nhộn nhịp nhất trên thế giới. Và mỏ neo của tàu chở hàng trở thành “khắc tinh” của cáp quang biển.

Theo thống kê của Viettel, các tuyến cáp quang biển mà Việt Nam khai thác đứt trung bình 10 lần mỗi năm.

Cáp quang dễ hỏng nhưng khó sửa. Còn các nhà mạng Việt Nam cũng hoàn toàn ở thế bị động, “lực bất tòng tâm" bởi các tuyến cáp của nước ta đều thuộc những liên minh do nhiều quốc gia và công ty viễn thông quản lý.

Ba tháng kể từ thời điểm sợi cáp đầu tiên gặp sự cố, mới chỉ có 2 tuyến cáp có lịch sửa chữa là APG và AAG vào tháng ba hoặc đầu tháng tư, tức sau gần nửa năm. Trong khi đó, 2 tuyến cáp còn lại vẫn phải chờ đợi.

Theo đại diện Viettel, với trung bình 10 sự cố mỗi năm, thời gian khắc phục mỗi sự cố là khoảng 1 tháng. Vì vậy, các nhà mạng thường chỉ khai thác được ba trên năm tuyến và luôn phải duy trì cả các đường dự phòng, 60% hoạt động, 40% dự phòng. Chính điều này dẫn đến việc khai thác cáp quang biển kém hiệu quả, tăng tải lực lượng vận hành khai thác.

Thứ Sáu, 10/02/2023 11:00
51 👨 718
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ