Vào các ngày 15/3, 23/5 và 13/6 trong năm nay, 3 trong 5 tuyến cáp quang biển quốc tế các nhà mạng Việt Nam đang khai thác, đã gặp sự cố, gây gián đoạn dịch vụ trên tuyến gồm tuyến cáp APG gặp sự cố trên 4 nhánh S1.9, S3, S8 và S9; tuyến cáp AAE-1 bị lỗi trên 2 nhánh S1H3 và S1H5; S1 và S5 là 2 nhánh của tuyến cáp biển IA gặp sự cố.
Đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet – ISP tại Việt Nam cho biết, sự cố trên 2 nhánh S1 và S5 của tuyến cáp quang biển IA hiện đã được khắc phục lần lượt vào trung tuần tháng 7 và cuối tháng 9 vừa qua. Hiện tại đã khôi phục hoàn toàn dung lượng kết nối trên tuyến.
Trên tuyến cáp quang biển APG, sự cố trên các nhánh cáp S3, S8 và S9 đã được khắc phục trong thời gian từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 8. Hiện còn nhánh cáp S1.9 gần trạm cập bờ tại Malaysia đang được sửa chữa và dự kiến sẽ hoàn thành trong tuần đầu tháng 10.
Trên tuyến cáp quang biển AAE-1, sự cố trên nhánh S1H3 hướng HongKong (Trung Quốc) đã được khắc phục xong nhưng phải đến ngày 26/10, lỗi rò nguồn xảy ra trên nhánh S1H5 của tuyến cáp mới được sửa xong.
Theo tiến độ khắc phục sự cố trên những tuyến cáp quang biển mới cập nhật, toàn bộ dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế dự kiến sẽ được khôi phục hoàn toàn ngay trong tháng 10/2024 này.
Trong thời gian 3/5 tuyến cáp quang biển gặp sự cố, các nhà mạng đều đã có phương án điều chuyển dung lượng sang các hướng cáp khác để đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp cho các khách hàng.
Việc cáp quang biển bị đứt diễn ra khá thường xuyên trong những năm gần đây, trung bình 10 lần mỗi năm, mỗi lần trục trặc kéo dài một tháng. Điều này khiến tốc độ và chất lượng truy cập Internet tại Việt Nam bị ảnh hưởng lớn.
Internet hiện giờ được coi là hạ tầng số quan trọng của quốc gia để phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Theo đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), lưu lượng truy cập Internet nước ngoài hiện lớn hơn nhiều so với trong nước. Vì thế, chất lượng dịch vụ Internet bị ảnh hưởng trong nước sẽ bị ảnh hưởng mỗi khi có sự cố các tuyến cáp biển quốc tế. Để khắc phục tình trạng này, các nhà mạng đã tìm cách đầu tư xây dựng các tuyến cáp mới đồng thời cũng tìm cách tối ưu để lưu lượng Internet trong nước tăng lên.
Hiện nay, Việt Nam cũng đang nỗ lực xây dựng các nền tảng, dịch vụ nội địa như mạng xã hội, các nền tảng quản lý doanh nghiệp, nền tảng và ứng dụng họp, học trực tuyến… Trong tương lai, khi các nền tảng, ứng dụng của Việt Nam có chất lượng và độ phổ biến thì sự phụ thuộc vào các tuyến cáp biển ra nước ngoài sẽ bớt đi.