Indonesia có thể theo chân các nước Trung Đông trong việc cấm sử dụng các dịch vụ BlackBerry.
Indonesia , quốc gia hiện có hơn 1 triệu người dùng BlackBerry, vừa tuyên bố đang cân nhắc đưa ra lệnh cấm các dịch vụ BlackBerry tương tự như Ả rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất sắp thực hiện.
Gatot Dewabroto, người phát ngôn của Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia , tiết lộ Bộ này muốn RIM, nhà sản xuất điện thoại BlackBerry, thiết lập máy chủ đặt tại Indonesia để mã hóa thông tin gửi đi từ các điện thoại BlackBerry của người dùng ở nước này, không cho phép chuyển các dữ liệu đó qua máy chủ của RIM đặt tại Canada.
“Chúng tôi không biết liệu dữ liệu được gửi qua BlackBerry có thể bị ai đó ở nước ngoài can thiệp hoặc đọc lén không”, người phát ngôn này nói và bày tỏ lo ngại rằng thông tin có thể bị tội phạm hoặc gián điệp sử dụng.
Nhiều nước đang cân nhắc lệnh cấm sử dụng các dịch vụ BlackBerry.
Thông báo trên của Indonesia được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Ả rập Xê-út yêu cầu các nhà mạng của nước này dừng các dịch vụ của BlackBerry kể từ thứ Sáu (ngày 5/8).
Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất đã lên kế hoạch đóng cửa các dịch vụ email, nhắn tin và duyệt web trên các điện thoại BlackBerry kể từ tháng 10 tới.
Ấn Độ đang đàm phán với RIM về cách quản lý thông tin trên các điện thoại BlackBerry. Còn quốc gia Trung Đông Bahrain cũng bày tỏ mong muốn kiểm soát thông tin trao đổi trên các điện thoại BlackBerry.
Các nhà phân tích cho rằng kế hoạch mở rộng của RIM tới các thị trường đang phát triển nhanh đang bị các thách thức pháp lý cản trở, trừ khi hãng này thực hiện việc quản lý thông tin (tin nhắn và email) theo yêu cầu của nhà chức trách bản địa.
Về phần mình, hãng RIM khẳng định công nghệ của mình không cho phép bất kỳ bên thứ ba nào có thể đọc được các email mã hóa được gửi đi từ các người dùng BlackBerry doanh nghiệp, nhóm khách hàng lớn của RIM. Tuy nhiên, phiên bản dành cho người dùng phổ thông có mức độ bảo mật thấp hơn.
Satchit Gayakwad, người phát ngôn của RIM ở Ấn Độ, cho biết RIM sẽ không chấp nhận sự tham gia giám sát của các chính phủ với các các khách hàng doanh nghiệp của hãng này.
“Chúng tôi sẽ không thỏa hiệp về kiến trúc bảo mật với các email từ các khách hàng doanh nghiệp của chúng tôi”, người phát ngôn này nói. “Chúng tôi tôn trọng yêu cầu của các cơ quan quản lý về vấn đề bảo mật nhưng chúng tôi cũng phải chú ý đến nhu cầu bảo mật của các khách hàng”.
Một quan chức an ninh của Ả rập Xê-út phát biểu với hãng thông AP rằng cơ quan an ninh nước này lo ngại không thể theo dõi được các tin nhắn trao đổi sử dụng phần mềm messenger trên BlackBerry.
“Dịch vụ này có thể bị lợi dụng để phục vụ khủng bố”, quan chức này nói.
Nguồn: Celluler-news