Chiếc Dior Phone của Dior |
Trong một cửa hàng tại khu vực Champs-Élysées ở Paris (Pháp) có rất nhiều điện thoại của các thương hiệu hạng sang như Prada hay Giorgio Armani được bày bán.
Nhưng không giống như phần lớn những cửa hàng sang trọng khác, cửa hàng nhỏ này không có cửa kính sáng loáng, trần nhà cao, hay những tủ kính lấp lánh đựng đầy những bộ cánh đẹp đẽ. Vì sản phẩm được bày bán ở đây là những chiếc điện thoại thời trang được thiết kế riêng cho những thương hiệu này.
Doanh số tăng mạnh
Hiện nay, điện thoại di động không chỉ là một phương tiện liên lạc đơn thuần, mà còn được coi là một món đồ thể hiện đẳng cấp và lối sống của người sở hữu. Trong những năm gần đây, các nhà sản xuất điện thoại di động hàng đầu thế giới như Nokia, Samsung và LG đã hợp tác với các hãng thời trang đồ hiệu như Prada, Armani và Ferrari để tạo ra những chiếc điện thoại có thể đáp ứng nhu cầu cao cấp của khách hàng.
Theo các nhà phân tích, bằng cách biến điện thoại di động thành những phụ kiện thời trang như túi xách hay kính mắt, các hãng điện thoại và các nhà thiết kế thời trang dường như đang làm gia tăng thêm giá trị thương hiệu của mình, đồng thời tạo ra những xu hướng thiết kế mới.
Những sản phẩm ra đời từ những “liên minh” điện thoại di động - thời trang trong thời gian gần đây có mức độ tinh vi cao hơn rất nhiều so với “thế hệ anh chị” vài năm trước đây. Với sự phát triển của thị trường, các hãng thời trang đang đóng một vai trò lớn hơn bao giờ hết trong việc tạo nên những đặc điểm khác biệt và thiết kế mẫu mã cho những chiếc điện thoại mang thương hiệu của họ.
Một số hãng thậm chí còn không cần hợp tác với các hãng điện thoại mà thay vào đó, tự mình phát triển sản phẩm điện thoại di động của riêng mình theo hợp đồng với các nhà sản xuất đặc biệt.
Hãng nghiên cứu thị trường ABI Research dự báo, thị trường điện thoại siêu sang với doanh số 3,4 tỷ USD trong năm 2006 này có thể đạt mức doanh số 11 tỷ USD trong năm tới và vượt 43 tỷ USD vào năm 2013.
Những luồng xu hướng
Sự lớn mạnh của những chiếc điện thoại mang thương hiệu của các hãng thời trang đẳng cấp diễn ra giữa nhiều xu hướng khác nhau.
Trong những năm gần đây, một số nhà sản xuất điện thoại sang trọng như GoldVish, Mobiado và Bellperre đã tung ra những mẫu điện thoại sản xuất thủ công, với mức giá có lúc lên tới hàng trăm nghìn USD.
Được làm bằng kim loại quý, gắn kim cương và các loại đá quý khác, có bao da tuyệt đẹp, những chiếc điện thoại như vậy đã thu hút không ít những khách hàng là các tỷ phú, triệu phú và những nhân vật nổi tiếng trong làng giải trí. Chiếc điện thoại sang trọng Vertu của Nokia cũng là một trong những “anh tài” của xu hướng này, mặc dù chỉ có giá vài chục nghìn USD.
Ở đầu kia của thị trường, cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng điện thoại di động lớn đã khiến giá của những “chú dế” bình dân liên tục đi xuống. Việc sở hữu một chiếc điện thoại di động đã không còn được coi là một biểu tượng địa vị như trước kia nữa.
Hiện nay, một số khách hàng trên thị trường điện thoại di động sản xuất hàng loạt dường như đã sẵn sàng để “đòi lại” địa vị đã bị mất của mình bằng cách mua một chiếc điện thoại có gắn biểu tượng thời trang. Cùng lúc, cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường cũng khiến các hãng sản xuất điện thoại phải tìm ra những biện pháp mới để vượt lên trên đối thủ của mình. Do đó, việc gắn kết với các thương hiệu thời trang được coi là một giải pháp tuyệt vời.
Xu hướng này đã nhanh chóng hình thành. Năm 2006, một số hãng điện thoại bắt đầu tung ra những phiên bản điện thoại thời gian với số lượng có hạn, trên đó có gắn những nhãn hiệu sang trọng. Ví dụ, hãng Motorola tung ra phiên bản Dolce & Gabbana và Ferrari của chiếc điện thoại Razr. Tuy nhiên, chỉ có phần vỏ của những chiếc điện thoại này là khác với những chiếc Razr thông thường, phần bên trong không có gì khác biệt.
“Đó là cách để sản xuất một chiếc điện thoại thời trang với giá rẻ”, chuyên gia Kevin Burden của công ty nghiên cứu ABI Research cho biết.
Liệu có thành công?
Từ năm 2007 trở đi, một số hãng thời trang bắt đầu tăng cường hoạt động thiết kế và chế tạo điện thoại di động cho riêng mình. Sự hợp tác giữa họ với các hãng điện thoại di động đã tạo ra những chiếc điện thoại có bề ngoài lộng lẫy hơn và công nghệ cao hơn.
Có lẽ, mẫu hình thành công nhất là chiếc Prada của hãng LG. Chiếc điện thoại này được đánh giá là khác biệt hẳn so với bất kỳ chiếc điện thoại nào trước đó do Hàn Quốc sản xuất. Chiếc LG Prada này đã tạo ra một chuẩn mực mới, với màn hình siêu sắc nét, âm thanh hoàn hảo, màn hình cảm ứng cao cấp có rung phản hồi.
Vài gương mặt khác cần được nhắc tới là chiếc Samsung Giorgio Armani và chiếc Ferrari 1947 của Vertu.
Một số hãng thời trang hiện đang tiến xa hơn trong lĩnh vực điện thoại di động cao cấp. Họ không hợp tác với các hãng điện thoại di động lớn vẫn thường dựa trên công nghệ mà thay vào đó, liên kết với các công ty sản xuất điện thoại thủ công để có những sản phẩm đặc biệt nhất với số lượng có hạn.
Mới đây, hãng Christian Dior đã tung ra chiếc Dior Phone, sản phẩm hợp tác với công ty nhỏ ở Pháp có tên ModeLabs. Chiếc điện thoại này chỉ có bán ở các cửa hàng của Dior.
Hiện còn quá sớm để dự báo liệu việc các hãng thời trang “tự biên tự diễn” trong lĩnh vực điện thoại di động có thành công hay không. Chẳng hạn như chiếc Dior Phone rất khó có thể đem lại lợi nhuận cho Dior vì không tận dụng được ưu thế về số lượng sản xuất và hệ thống phân phối của các nhà sản xuất điện thoại lớn.
Tuy nhiên, dù sao, đây vẫn là một cách “đánh bóng” hình ảnh tuyệt vời cho Dior!