Các nhà nghiên cứu đến từ Phòng thí nghiệm Máy gia tốc Quốc gia SLAC tại Stanford, California (Hoa Kỳ) vừa chụp thành công một bức ảnh đơn (single-shot) có độ phân giải lớn nhất thế giới.
Cụ thể, bức ảnh có độ phân giải 3.200 megapixel (MP) này được chụp bằng một loạt 189 cảm biến hình ảnh vốn đang được phát triển nhằm phục vụ cho dự án tạo ra chiếc máy ảnh kỹ thuật số lớn nhất thế giới đặt tại trụ sở SLAC. Hệ thống cảm biến khổng lồ cần có để chụp được bức ảnh với độ phân giải cực cao này có chiều rộng khoảng 0,6m và đặc biệt có mặt phẳng tiêu cự cực kỳ ấn tượng, đủ lớn để chụp được kích thước của một phần bầu trời tương đương với 40 mặt trăng tròn. Nói một cách chính xác, hệ thống cảm biến này là tập hợp của 189 cảm biến 16MP riêng lẻ, và mỗi pixel riêng biệt này có đường kính khoảng 10 micron.
“Những hình ảnh siêu lớn chụp từ hệ thống này sẽ phải cần tới 378 màn hình TV 4K độ nét cao để hiển thị ở dạng kích thước đầy đủ. Chúng sở hữu độ phân giải cao đến mức cho phép bạn có thể nhìn thấy một quả bóng golf từ khoảng khách 24km”, đại diện nhóm nghiên cứu SLAC cho biết.
Thông qua hệ thống cảm biến khổng lồ này, các nhà nghiên cứu đã chụp được khá nhiều bức ảnh mang tính khoa học cao, chẳng hạn như cấu trúc cực kỳ phức tạp của phần đầu bông cải xanh Romanesco. Để tận dụng kích thước siêu lớn của các bức ảnh, nhóm nghiên cứu đã phát triển một ứng dụng web cho phép mọi người chiêm ngưỡng những bức ảnh mà họ chụp được theo cách cực kỳ chi tiết.
Bạn có thể nhấp vào các liên kết bên dưới để được chuyển hướng đến trình xem ảnh. Vì ảnh tải về bị vỡ khi zoom nên các bạn chịu khó click vào link bên dưới để xem trực tiếp trên trang của nhóm nghiên cứu nhé.
- Head of Romanesco
- Flammarion engraving
- Vera Rubin
- LSST Camera team photos
- Logos of institutions involved in the LSST Camera project
Về cơ bản, những bức ảnh trên được chụp dưới dạng thử nghiệm sau khi các nhà khoa học hoàn tất giai đoạn lắp ráp ban đầu của hệ thống cảm biến hình ảnh SLAC 3.200MP. Sau khi hoàn thiện 100%, hệ thống cảm biến này sẽ được ứng dụng tại Đài quan sát Vera C. Rubin ở Chile vào giữa năm 2021. Tại đây, nó sẽ đảm nhận nhiệm vụ tạo ra những bức ảnh thiên văn học có giá trị nghiên cứu cao trong vòng 10 năm liền. Mục đích sau cùng của toàn bộ sáng kiến này là nhằm nâng cao hiểu biết của nhân loại về vật chất tối, năng lượng tối và vũ trụ nói chung.
Video đài quan sát Vera C. Rubin
Dưới đây là video về Đài quan sát Vera C. Rubin và camera LSST của nó. (Olivier Bonin / Phòng thí nghiệm Máy gia tốc Quốc gia SLAC).