Liệu việc tiết kiệm một vài đồng để mua chân máy rẻ tiền có phải là một giải pháp khôn ngoan?
Chân máy ảnh (tripod) vốn đã rất thông dụng từ nhiều năm nay và giờ đây, người ta có thể mua với giá chỉ nhỉnh hơn chiếc pizza một chút. Lẽ thường, tripod nào cũng đều có 3 chân, một con ốc dùng để bắt vào mặt dưới máy ảnh và một cơ chế đầu khớp nào đó, cho phép xoay chuyển ống kính hướng tới điểm cần chụp một cách chắc chắn mà không phải di chuyển toàn bộ vị trí chân máy. Nhưng liệu có cần tiết kiệm một vài đồng để mua một chân máy rẻ tiền?
Giá của chân máy chỉ nhỉnh hơn một chiếc pizza. (Ảnh: Freisol) |
Phó thác số phận chiếc máy DSLR của bạn đứng trên một chân máy mỏng manh cũng giống như việc giao cho một đứa trẻ 7 tuổi mới vừa biết ăn bỏng ngô chiếc máy Leica đắt tiền vậy. Chắc hẳn, không ai muốn tưởng tượng cảnh thiết bị đắt tiền này rơi xuống sàn bê tông khô khốc.
Mặc dù ai cũng nhận thức được chân máy giúp cho chất lượng ảnh được cải thiện hơn, nhưng vấn đề là người ta lại không mấy khi dùng tới nó. Có nhiều lý do cho việc không dùng này, nhưng hầu hết đều bắt nguồn từ việc đầu tư chân máy không đúng trọng điểm. Mặc dù chân máy nghe có vẻ là một thiết bị đơn giản, nhưng nên nhớ, không phải tất cả đều được thiết kế như nhau. Lý do bạn không dùng chân máy thường xuyên chủ yếu chỉ vì bạn đã không có được đúng loại cần.
Loại tripod chân ngắn. (Ảnh: Supplierlist) |
Nếu như chân máy quá nặng, lập tức bạn sẽ để nó ở nhà. Không quan trọng là trọng lượng nặng nề này nhằm đảm bảo tính chắc chắn, an toàn cho thiết bị hay đơn giản chỉ vì nhà sản xuất tiết kiệm một vài đồng nhờ sử dụng chất liệu kim loại nặng hơn. Nhưng có một điều luôn đúng là nếu chân máy trở thành một gánh nặng, nó sẽ là thiết bị được cho ở nhà đầu tiên. May mắn thay, nhờ những tiến bộ về vật liệu mới như sợi carbon, hợp kim ma-nhê hay các hợp kim đặc biệt khác, nhà sản xuất ngày nay đã có thể cho ra những loại có tính năng khỏe hơn thép nhưng trọng lượng lại nhẹ hơn nhôm.
Cơ hội chân máy bị bỏ rơi còn vì lý do nếu như thao tác mở ra sử dụng quá khó hoặc quá chậm. Nếu bạn có một chân máy với vài cái khóa để chỉnh độ dài, lúc đầu có thể sẽ không vấn đề gì, nhưng càng dùng bạn sẽ càng cảm thấy bất tiện, từ đó dẫn tới ngại dùng. Vì thế, cần lưu ý khi mua chân máy, hãy tìm những chiếc có khóa chân để điều chỉnh chỉ bằng một tay và việc khóa lại hay nới ra phải rất dễ dàng và nhanh chóng.
Chọn chân máy vừa tầm mắt. (Ảnh: Photoanswer). |
Chân máy quá ngắn cũng gây cảm giác không thoải mái khi dùng vì chẳng ai muốn mình phải cúi khom lưng khi chụp ảnh. Nếu bạn cao khoảng 1,7 mét và muốn đặt máy ở tầm ngang mắt, hãy tìm những loại mà trong thông số kỹ thuật, phần mô tả chiều dài tối đa phải bằng hoặc hơn chiều cao mắt của mình. Nên nhớ chiều cao tối đa này thường tính cả phần trồi lên của cọc trung tâm chân máy, nên nó không phải là chiều dài của bản thân 3 chân. Một thông số khác cũng đáng lưu tâm là chiều dài khi tất cả chân máy được xếp lại. Hãy chọn kích thước sao cho có thể phù hợp với túi, hay ba lô đựng máy ảnh của mình.
Theo Shutterbug, đầu khớp xoay cũng là một thiết bị cần chú ý đặc biệt. Khớp xoay quá lỏng (hay quá chặt), hay quá rối rắm để tinh chỉnh cũng gây nên những phiền toái nhất định. Chân máy tốt thường bán kèm những khớp xoay, cơ chế điều chỉnh lên xuống, ngang dọc hay cơ chế khớp bi tròn chuyển động rất êm ái nhẹ nhàng, hoặc không kèm khớp nào cả, nhưng các khớp của cùng hãng lại bán rời. Hãy chọn mua một chân máy tốt và một khớp đầu bi bán rời thay vì các cơ chế khớp khác. Nên nhớ, chính thiết kế đơn giản của kiểu chuyển động đầu bi lại chứa đựng khả năng chuyển hướng linh hoạt và phức tạp nhất. Chỉ cần một khớp đầu bi đơn giản nhất cũng có thể chuyển động theo nhiều hướng hơn bất kỳ kiểu khớp nào trên cơ thể con người. Nếu bạn muốn một chân máy thực sự chất lượng chứ không phải là những "chân dài" đẹp nhưng yếu ớt, hãy bỏ thêm chút tiền đầu tư. Chắc chắn bạn sẽ không bao giờ phải hối tiếc.