Vừa qua, Google đã ra thông báo hợp tác với bệnh viện mắt Aravind (Ấn Độ) để triển khai công nghệ AI trong phát hiện các bệnh lý bệnh mắt.
Trước đó 4 năm, Verily và Google đã cùng nhau phát triển một hệ thống trí thông minh nhân tạo (AI) có thể hỗ trợ chẩn đoán các bệnh lý về võng mạc tiểu đường (diabetic retinopathy - DR), một căn bệnh có thể gây tổn thương mắt vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời. Trên thực tế, theo Viện Mắt Quốc gia Hoa Kỳ, đây là nguyên nhân gây mù lòa đang có tốc độ gia tăng nhanh nhất đối với hơn 415 triệu bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường trên toàn thế giới. Trước thực trạng trên, nghiên cứu của Verily và Google đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía cộng đồng y khoa nói chung và các bệnh nhân tiểu đường nói riêng, và sau 4 năm miệt mài phát triển, Google cuối cùng cũng có thể chính thức thông báo rằng họ đã thành công trong việc triển khai cũng như ứng dụng các thuật toán AI trong phát hiện bệnh lý về mắt tại bệnh viện mắt Aravind ở Madurai, Ấn Độ.
Trước đây, Google đã từng nêu chi tiết về mối quan hệ hợp tác giữa họ với bệnh viện Aravind vào năm 2017, tại Hội nghị kinh doanh Wired và Hội nghị thượng đỉnh các nhà phát triển của TensorFlow. Theo nghiên cứu của bác sĩ R. Kim, một chuyên gia về võng mạc thì phương pháp điều trị dựa trên AI của Google có hiệu quả vượt xa những nỗ lực hiện tại của các bác sĩ trên cả 2 phương diện: Tốc độ và độ chính xác.
Theo đó, thuật toán AI của Google trong ứng dụng điều trị các bệnh lý về mắt đã được chứng nhận CE, đồng nghĩa với việc nó đáp ứng được tiêu chuẩn của Liên minh Châu Âu đối với các phát minh liên quan đến y tế. Với sự triển khai của thuật toán mới này, các bác sĩ tại bệnh viện Aravind sẽ có thêm thời gian để làm việc một cách chặt chẽ hơn với bệnh nhân trong điều trị và kiểm soát tình hình, diễn biến của căn bệnh.
Phát triển phương pháp sàng lọc triệu chứng võng mạc tiểu đường dựa trên AI liên quan đến việc quản lý một lượng dữ liệu khổng lồ, lên đến hơn 128.000 hình ảnh mà qua đó, các bác sĩ nhãn khoa phải phân tích và đưa ra đánh giá về tình trạng của nhãn cầu người bệnh. Theo Google, các hình ảnh này sẽ được sử dụng để đào tạo một mạng lưới thần kinh sâu (deep neural network) - các lớp chức năng toán học được mô phỏng theo tế bào thần kinh sinh học - để phát hiện những triệu chứng của võng mạc tiểu đường. Hiệu suất của mạng lưới thần kinh AI này đã được thử nghiệm trên hai thí nghiệm lâm sàng riêng biệt với tổng số khoảng 12.000 hình ảnh, và kết quả cho thấy so với một nhóm các bác sĩ nhãn khoa bằng da bằng thịt, mạng lưới thần kinh AI này đã đáp ứng rất tốt và thậm chí còn vượt quá hiệu suất cơ bản với tỷ lệ chính xác lên đến 97.5%.
Trong năm ngoái, Google đã cho biết họ đang tiến hành triển khai các nghiên cứu tương tự ở Thái Lan, và tại Hội nghị thượng đỉnh về lợi ích xã hội ở Bangkok công ty này cũng đã công bố biên bản hợp tác với bệnh viện Rajavithi để thí điểm thuật toán sàng lọc võng mạc tiểu đường cho các bệnh nhân tại đất nước chùa vàng.
Không dừng lại ở đó, Google cũng đã tỏ rõ sự quan tâm của mình tới lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế thông qua nhiều thương vụ đầu tư trị giá hàng triệu đô la vào các ứng dụng chăm sóc sức khỏe sử dụng AI. Mùa xuân năm ngoái, nhóm Medical Brain Team của họ tuyên bố đã tạo ra một hệ thống AI có thể dự đoán tình tình hình sức khỏe, nguy cơ nhập viện, cũng như dự báo tỷ lệ tử vong tại 2 bệnh viện lớn ở Hoa Kỳ với độ chính xác lên đến 90%. Vào tháng 2 năm 2018, các nhà khoa học của Google và Verily đã tạo ra một mạng lưới thần kinh có thể suy luận chính xác thông tin cơ bản về tình hình sức khỏe của một người, bao gồm tuổi tác và huyết áp của họ, đồng thời cũng có thể xác định được liệu người này có nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm về tim mạch hay không. Gần đây nhất, vào cuối năm ngoái, Google cho biết họ đã phát triển thành công một hệ thống AI có thể phát hiện ung thư vú di căn với độ chính xác gần như tuyệt đối, lên đến 99%.
DeepMind, bộ phận chịu trách nhiệm cho các nghiên cứu liên quan đến AI của Google có trụ sở tại London, Vương Quốc Anh cũng đã tham gia vào một số dự án AI liên quan đến sức khỏe, bao gồm một thử nghiệm quan trọng đang được triển khai với Hội Cựu chiến binh Hoa Kỳ, liên quan đến việc dự đoán tình hình sức khỏe của các cựu binh trong thời gian nằm viện. Trước đây, DeepMind cũng đã từng hợp tác với Dịch vụ Y tế Quốc gia (National Health Service) Vương quốc Anh để phát triển một thuật toán có thể phát hiện sớm các dấu hiệu dẫn đến mù lòa. Bên cạnh đó, trong một bài báo trình bày tại hội nghị Máy tính và Y tế diễn ra vào đầu năm nay, các nhà nghiên cứu của DeepMind cho biết họ đã phát triển thành công một hệ thống AI có khả năng phân đoạn quét CT với hiệu suất gần và mức độ chính xác ngang với các bác sĩ chuyên khoa đầu ngành.
Có thể nói, những triển vọng trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo mà Google đã đạt được trong vài năm gần đây đã mở ra một tương lai đầy sáng lạn trong việc ứng dụng triệt để và toàn diện lợi ích của AI vào y tế, giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, đời sống con người theo hướng chính xác và hiệu quả hơn!