Mới đây, Google đã tung ra một chương trình đào tạo chứng chỉ do chính các chuyên gia của Google tự thiết kế và giảng dạy. Các khóa học được thiết kế để học viên có thể hoàn thành trong 6 tháng và đi làm kiếm tiền được ngay sau khi học xong.
"Với nhiều người Mỹ, học đại học là một mơ ước xa vời và bạn không cần tấm bằng đại học để đảm bảo thu nhập sau này", Kent Walker, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách các vấn đề toàn cầu của Google chia sẻ. "Chúng ta cần các giải pháp đào tạo việc làm mới, dễ tiếp cận hơn từ các chương trình dạy nghề nâng cao tới giáo dục trực tuyến để giúp nước Mỹ tái thiết và phục hồi".
Ông Walker cũng cho biết thêm rằng Google sẽ xem các chứng chỉ nghề nghiệp mới mà họ sắp đào tạo tương đương với bằng đại học 4 năm cho các vị trí tương ứng.
Trước khi chính thức triển khai chương trình đào tạo này, Google đã tiến hành thử nghiệm bằng cách đưa lên nền tảng Coursera chứng chỉ Chuyên gia Hỗ trợ CNTT. Chứng chỉ này yêu cầu mức học phí 49 USD/1 tháng, tương đương gần 300 USD cho toàn bộ khóa học. Theo ông Walker, từ khi ra mắt vào năm 2018 đến nay, chứng chỉ Chuyên gia Hỗ trợ CNTT đã trở thành chứng chỉ phổ biến nhất trên Coursera và giúp hàng nghìn người tìm được việc làm hoặc tăng thêm thu nhập sau khi hoàn thành khóa đào tạo.
Trong lần chính thức ra mắt này, bên cạnh chứng chỉ Chuyên gia Hỗ trợ CNTT. Chứng Google cũng bổ sung thêm 3 chứng chỉ nữa bao gồm:
- Quản lý dự án (mức lương trung bình hàng năm tại Mỹ 93.000 USD)
- Nhà phân tích dữ liệu (66.000 USD)
- Nhà thiết kế trải nghiệm người dùng (75.000 USD)
Bất cứ ai cũng có thể học các chứng chỉ của Google, không yêu cầu bằng cấp hoặc kinh nghiệm có liên quan. Các chứng chỉ sẽ được thiết kế và giảng dạy bởi các chuyên gia đang làm việc tại những lĩnh vực tương ứng của Google.
Ngoài chính bản thân Google, một số ông lớn trong ngành cũng đã đồng ý tuyển dụng các học viên có chứng chỉ của Google. Những ông lớn này bao gồm Walmart, Best Buy, Intel, Bank of America, Hulu...
Hiện tại, chương trình của Google chỉ áp dụng cho công dân Mỹ. Hy vọng rằng trong tương lai nó sẽ mở rộng tại những quốc gia khác.