Phải chăng chính Apple đòi hỏi chiếc “điện thoại Google” G1 đầu tiên gỡ bỏ tính năng cảm ứng đa điểm chạm, chứ không phải vì bản thân hệ điều hành Android không hỗ trợ đầy đủ tính năng này?
Mặc dù chỉ là lời tuyên bố từ một “nhà phát triển Android” ẩn danh trong bài phỏng vấn với tạp chí Venture Beat, có vẻ như thông tin này trùng hợp với các động thái khác từ phía Apple trong thời gian gần đây. Rõ ràng, hãng đang cố gắng bảo vệ các công nghệ ứng dụng trên iPhone bằng mọi giá. Điều này cũng giải thích lý do Google quyết định không sử dụng cảm ứng đa điểm chạm trên một nền tảng rõ ràng có rất nhiều ứng dụng.
Tháng vừa qua, Apple thông cáo rộng rãi rằng hãng đã được cấp chứng nhận bản quyền công nghệ cho tính năng cảm ứng trên iPhone. Thông cáo này khiến nhiều người tự hỏi Apple đã tiến xa tới đâu, và bằng chứng nhận này ảnh hưởng đến mức độ nào tới ngành sản xuất các sản phẩm cảm ứng. Gần như cùng lúc, Apple phát đi tín hiệu đầu tiên khi quyền giám đốc điều hành Tim Cook tuyên bố hãng sẵn sàng lôi ra toà bất cứ kẻ nào dám bắt chước công nghệ cảm ứng đa điểm chạm của mình.
G1 - smartphone đầu tiên ứng ụng Android thiếu vắng tính năng "multi-touch" |
Lời thách thức của ông giám đốc Cook rõ ràng khiến Palm lo lắng, do chiếc Pre sắp ra mắt của hãng này cũng sử dụng cơ chế “sờ chạm” tương tự iPhone - hãng tuyên bố đã sẵn sàng bảo vệ Pre trước toà. Cùng với động thái tìm cách đăng kí bản quyền cả khái niệm “đa điểm chạm” (multi-touch), nhiều khả năng Apple sẽ phải đối đầu với Palm trước toà để đòi “lẽ phải” cho đứa con cưng iPhone.
Google đã nhường nhịn hiệp một với chiếc G1 vào năm vừa qua, nhưng các sản phẩm ứng dụng Android ra mắt trong năm nay sẽ ra sao? Thật khó phớt lờ nhu cầu sở hữu sản phẩm cảm ứng da điểm chạm của người tiêu dùng. Google sẽ tiếp tục nhường nhịn để giữ quan hệ hữu hảo với Apple, hay sẽ đối đầu trực diện trên thương trường, hay tệ hơn nữa - lôi nhau ra toà?