Thị trường GPU toàn cầu đang chứng kiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung tồi tệ khiến giá bán các mẫu card đồ họa chuyên dụng tăng “mất kiểm soát”. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề nằm ở việc hoạt động đào tiền ảo tăng mạnh trong suốt nhiều tháng qua.
Trên thực tế, việc sử dụng GPU để khai thác các loại tiền điện tử đang hot như Ethereum, Dogecoin đã khiến card đồ họa trở nên khan hiếm và tăng giá mạnh từ đầu năm 2021, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường phần cứng máy tính thế giới.
Cách đây không lâu, NVIDIA đã đưa ra một thông báo quan trọng, trong đó nhắc tới giải pháp góp phần khắc phục các vấn đề liên quan tới hiện tượng bùng nổ đào tiền ảo vốn gây ảnh hưởng rất lớn tới dòng card đồ họa Geforce thời gian qua. Cụ thể, NVIDIA muốn “hạn chế bớt” khả năng đào coin của các mẫu GPU đầu bảng GeForce RTX 3xxx series ít nhất 50%, qua đó khiến các mẫu card đồ họa này trở nên kém hấp dẫn hơn với thợ đào coin, từ đó dần ổn định thị trường.
GeForce RTX 3070 Ti vừa chính thức được mở bán từ ngày 10/6, và đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ thị trường. Câu hỏi đặt ra là khả năng đào coin của mẫu GPU này thực tế ra sao, có bị hạn chế bớt như cam kết của NVIDIA?
Các thử nghiệm ban đầu cho thấy khả năng khai thác tiền ảo của RTX 3070 Ti đã giảm đi đáng kể, nhưng là đối với một số đồng tiền nhất định chứ không phải tất cả. Cụ thể, Ethereum chính là loại tiền ảo chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. NVIDIA cho biết driver của RTX 3070 Ti có khả năng phát hiện các thuộc tính cụ thể của thuật toán khai thác Ethereum - thuật toán phổ biến nhất, với hiệu suất cũng như tỷ lệ lợi nhuận cao nhất hiện tại - khiến hiệu năng khai thác loại tiền ảo này chỉ còn bằng 1 nửa so với thông thường.
Nói cách khác, “cuộc đàn áp” của Nvidia đối với hoạt động đào Ethereum xuất phát từ việc bộ công cụ giới hạn khai thác tiền ảo đã được cải thiện đáng kể. Thuật toán hoạt động như dự định và ngay lập tức giảm tốc độ băm của GeForce RTX 3070 Ti từ khoảng 80 MH/s xuống còn 40 MH/s ngay khi khối lượng công việc liên quan đến Ethereum bắt đầu được khởi động. Hiệu suất về cơ bản ngang bằng với đơn vị CMP 50HX của Nvidia, vì vậy việc sử dụng GeForce RTX 3070 Ti để khai thác Ethereum là thực sự không hợp lý - trừ khi ai đó có thể bẻ gãy cơ chế chống khai thác của Nvidia, một điều không đơn giản.
Tuy vậy, bộ giới hạn sẽ chỉ chọn ra các thuật toán Ethash và Dagger-Hashimoto, có nghĩa là RTX 3070 Ti vẫn có thể khai thác các tốt loại tiền điện tử khác mà không gặp trục trặc. Các thử nghiệm thực tế đã chỉ ra rằng card đồ họa Ampere nhìn chung vẫn là một công cụ khai thác tuyệt vời đối với Ravencoin (KAWPOW), và Conflux (Octopus). Ngoài ra, các thuật toán khác như CuckooCycle cũng có thể cho thấy tiềm năng.
Như vậy, công bằng mà nói, RTX 3070 Ti hoàn toàn không phải là “đồ bỏ đi” khi nói đến khía cạnh khai thác tiền ảo. Chỉ là lợi nhuận mà GPU này mang về sẽ không được như kỳ vọng của các thợ đào, khiến nó trở thành món hàng kém hấp dẫn hơn.
Lấy ví dụ cụ thể, GeForce RTX 3070 Ti hiện có thể kiếm được khoảng 3,25 đô la mỗi ngày đối với đồng tiền phù hợp, nhưng chỉ khoảng 2,25 USD/ngày đối với Ethereum. Nếu giới hạn chống khai thác Ethereum không tồn tại, con số này về cơ bản sẽ tăng gấp đôi, lên mức 4,50 USD mỗi ngày. Tất nhiên, tiền điện tử là một thị trường cực kỳ biến động, và mức lợi nhuận nêu trên có thể thay đổi liên tục theo từng thời điểm.
Với tỷ giá hiện tại, ước tính tỷ suất hoàn vốn (ROI) của RTX 3070 Ti với thợ đào Ethereum sẽ rơi vào khoảng trên dưới sáu tháng. Nhưng đó là trong trường hợp chúng ta sống trong một “thế giới” khác, nơi card đồ họa không đang thiếu hụt trầm trọng, và bạn vẫn có thể mua được RTX 3070 Ti với giá niêm yết 599 đô la. Còn trong thế giới thực mà chúng ta đang sống, mẫu GPU này đang được bán với giá gấp 2-3 lần mức niêm yết. Nếu bạn có thể mua được một chiếc RTX 3070 Ti với giá ít hơn, hãy tự coi mình là người may mắn.
Hy vọng chiến lược này của NVIDIA có thể giúp thị trường GPU toàn cầu nhanh chóng trở lại ổn định. Và đặc biệt là các game thủ có thể tiếp cận được nguồn card chất lượng, giá bán phù hợp với giá trị thực mà chúng mang lại.