Các game online xuyên biên giới không phép phát hành tại Việt Nam trên các nền tảng App và Web sẽ phải gỡ bỏ hết trước khi nộp hồ sơ để Bộ TT&TT thẩm định nội dung, xem xét để cấp giấy phép.
Hiện tại, thị trường game Việt Nam có rất nhiều game do các công ty nước ngoài phát triển nhưng một số đang mắc sai phạm khiến cơ quan quản lý phải yêu cầu gỡ bỏ, dừng phát hành game. Theo đại diện Bộ TTTT, những sai phạm chủ yếu của các game được phát hành tại Việt Nam đều liên quan tới yếu tố cờ bạc, đổi thưởng; game xuyên tạc và vi phạm lịch sử của Việt Nam; game có nội dung bạo lực, dung tục và game không phép.
Hiện tại đã có 142 game bị gỡ bỏ tại Việt Nam, bao gồm 38 game có nội dung bạo lực, dung tục và 104 game cờ bạc, đổi thưởng.
Một số nhà phát hành game đã phải rút khỏi thị trường Việt Nam do chưa được cấp phép, ví dụ như Supercell, công ty sở hữu game “Clash of Clans” và “Clash Royale”.
Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ TTTT cho biết, Bộ TTTT đã liên tục yêu cầu Google và Apple chặn trên kho ứng dụng những game không phép hoặc những game có phép mà vi phạm pháp luật Việt Nam.
Ông Lê Quang Tự Do lưu ý rằng có 3 loại game sẽ không được phép phát hành và bị cấm tại Việt Nam gồm:
- Game cờ bạc.
- Game có nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục như hở hang, khiêu dâm, bạo lực.
- Game có nội dung, kịch bản không đúng với quan điểm chính thống về lịch sử Việt Nam.
Cơ quan quản lý yêu cầu tất cả các game đều phải được cấp phép mới có thể phát hành tại Việt Nam. Các doanh nghiệp nước ngoài có 2 cách để xin cấp phép game tại thị trường Việt Nam.
- Một là hợp tác với một doanh nghiệp Việt Nam, và doanh nghiệp này phải sở hữu, quản lý kho cơ sở dữ liệu của người chơi game, phải có ít nhất một hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam là đơn vị tiến hành xin cấp phép theo quy định.
- Hai là thành lập doanh nghiệp hoặc đặt văn phòng đại diện hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt Nam phải hợp tác thực sự chứ không được phép chỉ là trung gian thu tiền của người chơi trong nước rồi chuyển tiền cho phía đối tác. Các doanh nghiệp đứng tên xin giấy phép cung cấp dịch vụ game nhưng thực chất chỉ là đại lý phát hành game cho doanh nghiệp nước ngoài sẽ bị xử lý.
Đối với game đã được phát hành từ trước mà chưa có giấy phép, cơ quan quản lý yêu cầu các doanh nghiệp phải gỡ bỏ game khỏi kho ứng dụng hoặc website tại Việt Nam và làm thủ tục xin cấp phép. Sau khi quá trình thẩm định hoàn tất mới được phát hành trở lại.
Các cơ quan quản lý cũng đưa ra khuyến cáo đối với các doanh nghiệp game hoạt động tại Việt Nam cần tuân thủ theo Luật An ninh mạng Việt Nam, có hiệu lực từ 1/1/2019. Khi cập nhật, nâng cấp tính năng và nội dung game, các doanh nghiệp cần thông báo về các thay đổi cho cơ quan quản lý.