Đủ 'chiêu' kiếm tiền trên mạng của giới trẻ Việt

Internet đã cập bến Việt Nam được hơn một thập kỷ nhưng sự bùng nổ chỉ thực sự diễn ra trong 5 năm gần đây. Cũng theo đó, hàng loạt hình thức tương tác mới mà trong đó kiếm tiền từ các dịch vụ trực tuyến đang là xu hướng của giới trẻ Việt.

Nhắc đến kiếm tiền từ Internet, ắt hẳn nhiều người vẫn còn ám ảnh bởi những "công việc bẩn" trên mạng, nơi mà các "bướm đêm" tìm tình hay những trò lừa đảo trực tuyến hoành hành. Tuy nhiên, nếu đó là mặt trái, thì cũng phải nhìn nhận vào một thực tế đầy hứa hẹn với những công việc sáng tạo, ít nhiều đem lại hiệu quả kinh tế cho các bạn trẻ năng động.

Đủ "chiêu" kiếm tiền

Trong một lần tình cờ gặp Hải, một thành viên có "thâm niên" online, vừa gặp đã khoe ngay một loạt đồ hi-tech mà cậu "thửa" được từ trên mạng. Chợt nhớ đến hàng loạt phi vụ phishing (lừa đảo trực tuyến) phanh phui trong thời gian qua, PV VietNamNet không khỏi hoài nghi về những thứ đồ mà cậu có được. Nhưng chỉ đến khi nghe cậu "show hàng" tường tận cách thức "nhặt đồ" trên mạng tôi mới thán phục sự kiên trì và hiểu biết của cậu.

Là thành viên của một hệ thống tích điểm trực tuyến, nhiệm vụ của Hải là hàng ngày trả lời những câu phỏng vấn bâng quơ hiện lên màn hình để từ đó nhận được số điểm tương ứng. Điểm sẽ được tích góp lại theo ngày và một ngày tối đa cậu chỉ có thể nhận được 12 điểm. Hàng tháng, vào một thời điểm bất chợt, quản trị hệ thống sẽ cho phép những thành viên như Hải đổi điểm tích lũy thành một món quà tương ứng. Đó có thể là những thẻ mua hàng tại Amazon trị giá 50 USD (khoảng 940 ngàn đồng) hay thậm chí lên tới máy iPod Touch hoặc trò chơi điện tử Nintendo Wii. Tất nhiên, ngoài việc có đủ số điểm đổi cần thiết, còn phụ thuộc đến sự nhanh tay của thành viên để có thể đăng ký đổi điểm và nhận những món quà với số lượng hết sức giới hạn.


Muốn đổi điểm lấy quà "xịn" cần sự kiên nhẫn và cần mẫn (Ảnh: Wordpress).

Cậu sinh viên năm cuối đại học khoe rằng: "Chỉ hơn 6 tháng em đã đổi được máy iPod và ít đồ phụ kiện cùng với một thẻ mua hàng tại Amazon, mà mỗi ngày chỉ mất chưa đến... 5 phút để trả lời trực tuyến với câu hỏi đơn giản như: Bạn thích xem phim gì, bạn thích dùng đồ ăn nhanh nào... Hàng quy đổi sẽ được gửi về tận nhà và người nhận sẽ mất một chút tiền phí vận chuyển. Cách thức kiếm tiền vừa đơn giản mà vừa nhẹ nhàng, nhưng vẫn cần một chút may mắn anh ạ".

Cũng như Hải, cô nhân viên một công ty truyền thông tên Thu Hoài lại có một cách kiếm tiền rất ngộ. Đó là việc, hàng ngày cô sẽ đi "spam" tại các địa chỉ mạng xã hội như FaceBook, Opera hay Multiply bằng các nội dung mà đối tác thuê cô quảng cáo. Tất nhiên tùy hợp đồng và mục đích, số tiền công được hưởng sẽ khác nhau nhưng với việc đơn giản là "copy & paste", Hoài đã tận dụng được khá hữu hiệu thời gian dư thừa của mình trên mạng để kiếm thêm thu nhập.

Trong một trường hợp khác, khi dạo quanh một vài diễn đàn mua bán trực tuyến, PV VietNamNet thấy một vài bạn trẻ nhận... "up" topic thuê. Đi sâu tìm hiểu thì thấy mạng trực tuyến mở ra nhiều cơ hội kiếm tiền thật thú vị.

Lấy ví dụ như các forum bán hàng có lượng thành viên và giao dịch lớn như 5giay hay muare, nếu không muốn hàng tháng phải trả phí cho một "Chủ đề dính" với giá trung bình từ 5 đến 7 triệu đồng, những "chủ shop" online sẽ lập các chủ đề ở phía dưới, hoàn toàn miễn phí, tuy nhiên vì lượng bài viết lớn, các chủ đề này sẽ trôi rất nhanh xuống trang sau, và rất khó để khách hàng tìm thấy.

Vì vậy, đội quân "up thuê" có nhiệm vụ là, viết một bài bâng quơ để nhằm mục đích đẩy chủ đề này lên trang đầu, và trung bình, một phút phải đẩy 6 đến 10 lần thì mới đạt yêu cầu, chủ đề mới luôn xuất hiện ở trang 1.

Để trả phí cho dịch vụ này, các "ông chủ online" thường chỉ mất một khoản phí nhỏ, dao động từ 100.000 cho tới 1 triệu đồng/tháng, thay vì mất gần chục triệu cho "Chủ đề dính", và càng nhiều "chủ shop" thì cơ hội việc làm càng nhiều cho các bạn trẻ.

Và những sự cố hài hước

Công việc tưởng chừng đơn giản, nhẹ nhàng và an toàn nhưng đôi khi các bạn trẻ cũng gặp những sự cố hay rủi ro cười ra nước mắt.

Đơn cử như Hải, trong một lần quy đổi điểm, mặc dù hệ thống đã báo rằng số điểm cậu đạt được đủ để đổi một máy điện tử cầm tay Sony PSP nhưng đến sáng hôm sau, ban quản trị lại tuyên bố giao dịch lỗi và đền bù cho cậu một thẻ mua hàng Amazon giá trị chỉ 50 USD, chỉ bằng 1/4 so với giá trị mặt hàng mà cậu muốn.


Chỉ với từ khóa "nhận up bài thuê", có thể nhận được cả trăm nghìn kết quả
(Ảnh chụp màn hình).

Lẽ tất nhiên, mọi hình thức phàn nàn đều vô giá trị và càng khó có thể giải quyết bằng pháp lý, vì Hải xác định, "đồ chùa" mà, không mất gì, được quà là vui rồi. Với thẻ mua hàng lần đó, cậu mua được cho mình một chiếc áo size Mỹ, mà theo Hải "xem ảnh trên mạng thì bé, nhận được thì rộng như thùng phi". Nhưng cũng không vì thế mà cậu từ bỏ cách kiếm quà chân chính này.

Còn Thu Hoài, mặc dù đã nhận những hợp đồng của đối tác và dùng nhiều công cụ để "online marketing" nhưng vẫn có lúc, các tài khoản của cô trên các mạng xã hội bị ban quản trị "banned" (treo nick) vì lý do bị thành viên khác phàn nàn do "spam" quá nhiều.

Tương tự như vậy, hiện nay ban quản trị các diễn đàn mua bán trực tuyến đều có những quy định rất khắt khe về việc "spam, đôn bài", ví dụ như hình thức bắt buộc phải đăng ký tài khoản bằng tin nhắn, gõ đoạn mã xác định trước khi gửi hay thậm chí quy định độ dài của chuỗi nội dung trong bài viết nhằm hạn chế tối đa tình trạng thành viên viết những câu vô nghĩa để đẩy chủ đề lên trang 1.

Cũng nhọc nhằn và khó khăn là thế, nhưng dù sao, theo các bạn trẻ thì "chả hại đến ai, kiếm được chừng nào hay chừng ấy" vẫn là động lực chính để những bạn trẻ năng động "cày tiền" một cách khá chính đáng.

Thứ Hai, 22/03/2010 10:42
31 👨 2.485
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp