Không thể tiếp tục "lờ đi" vấn đề sở hữu trí tuệ khi VN đã gia nhập WTO, các doanh nghiệp tìm cách giải bài toán bản quyền phần mềm. Công ty nhiều tiền thì mua "cả lố", kẻ ít hơn ký hợp đồng sử dụng dần dần. Có đơn vị quay ra dùng mã mở và không ít thì... im lặng nghe ngóng.
Sau chuyến viếng thăm Việt Nam của Bill Gates, Bộ Tài chính trở thành cơ quan Chính phủ đầu tiên dùng phần mềm có bản quyền đầy đủ trong toàn bộ hệ thống công nghệ thông tin khi ký thỏa thuận với Microsoft để sở hữu vĩnh viễn 15.000 giấy phép sử dụng Office 2003. Tiếp sau đó, Ngân hàng Ngoại thương VN (Vietcombank) và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ FPT cũng tuyên bố chính thức mua nhiều sản phẩm của Microsoft với số lượng lớn.
Những động thái này được đánh giá là bước ngoặt tích cực cho thị trường phần mềm VN. Tuy nhiên, đi đầu trong vấn đề ký kết với Microsoft đều là những "đại gia" với tiềm lực tài chính mạnh. Dù không ai trong số họ tiết lộ bất kỳ chi tiết nào về số tiền thỏa thuận với hãng phần mềm danh tiếng, người ta cũng có thể thấy ngay rằng đó là những con số không nhỏ. Xuất hiện gần đây trên bảng báo giá của một số doanh nghiệp máy tính, các sản phẩm của Microsoft vẫn khiến nhiều người phải "lắc đầu lè lưỡi": Windows XP Home Edition English Intl CD w/SP2 (Full Package) giá hơn 3 triệu đồng; Windows XP Professional English Intl CD w/SP2 (Full Package) gần 5 triệu đồng; Office Pro 2003 Win32 English 1pk DSP OEI CD w/SP2 (OEM) trên 5 triệu đồng; Office 2003 Win32 English CD (Full Package) xấp xỉ 5,5 triệu đồng; Windows Svr Std 2003 64Bit x64 English 1pk DSP OEI CD 1-4CPU 5 Clt (OEM) khoảng 12 triệu đồng; Windows Svr Std 2003 R2 Win32 English CD 5 Clt (Full Package) gần 15 triệu đồng.
"Không phải chúng tôi không nghĩ đến chuyện bản quyền. Nhưng điều kiện tài chính chưa cho phép công ty trang bị được đầy đủ các sản phẩm chính hãng", Giám đốc một doanh nghiệp thương mại điện tử ở Hà Nội phân bua. "Nếu cài cho đủ hơn 20 máy tính của chúng tôi nào Windows, Office rồi Symantec Norton Antivirus hay BitDefender Network Internet Security thì quả thực là 'chóng mặt'. Đấy là chưa kể đến phần mềm máy chủ hay những ứng dụng khác".
Microsoft Việt Nam cũng cho biết có rất nhiều doanh nghiệp liên hệ với hãng hỏi làm thế nào để hợp pháp hóa những phần mềm không có bản quyền mà họ đang sử dụng. "Thú thực, chúng tôi không thể trả lời câu hỏi này mà chỉ có thể hướng dẫn họ tham khảo, dùng sản phẩm chính hãng phù hợp với mỗi doanh nghiệp", Trưởng đại diện Microsoft tại VN Christophe Desriac nói. "Microsoft từng có chương trình khuyến mại với sản phẩm Windows XP Starter Edition tiếng Việt. Đó cũng là điều đáng lưu ý".
Công ty máy tính Trần Anh (Hà Nội), từng bị xử phạt hành chính do vi phạm bản quyền phần mềm, đang đàm phán để có được giấy phép sử dụng sản phẩm Microsoft theo giá dự án cho khoảng 70 máy tính trong toàn doanh nghiệp. "10 PC quan trọng nhất của chúng tôi đã được trang bị phần mềm có bản quyền của Microsoft. Nhưng chúng tôi không dùng Windows XP Starter Edition vì hệ điều hành này không hỗ trợ chip Pentium mà chỉ là Celeron", Giám đốc Trần Xuân Kiên, cho biết. "Chính vì thế mà ngay cả khách hàng đến đây cũng thờ ơ với sản phẩm này. Những phần mềm khác họ cho là còn đắt".
Công ty máy tính Phúc Anh có trong tay hơn 40 bản quyền của hệ điều hành Microsoft nhưng cũng không dùng Windows XP Starter Edition. Còn khách hàng đến mua máy tính thi thoảng lắm mới có người hỏi đến phần mềm chính hãng. "Chúng tôi bán thêm phần mềm vì cũng bắt đầu có người hỏi mua nhưng thường là cá nhân có thu nhập cao. Lợi nhuận hầu như chưa có, chỉ từ 3 đến 5%". ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc công ty, tiết lộ.
Đoàn thanh tra lập biên bản tại một công ty máy tính vi phạm bản quyền |
Đa số doanh nghiệp tiếp xúc với phóng viên tỏ ra khá dè dặt khi đề cập đến vấn đề bản quyền phần mềm. Tuy nhiên, hầu hết đều nhận thức rõ rằng, khi đứng trong sân chơi chung của Tổ chức Thương mại Thế giới, nếu không tuân thủ Luật bản quyền thì nguy cơ bị kiện ra tòa kèm theo những tổn thất lớn là có thật.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, lãnh đạo Công ty phần mềm Econtech, bày tỏ: "Tuân thủ nghiêm túc vấn đề bản quyền phần mềm là xu hướng tất yếu nhưng phải làm dần trong nhiều năm, bắt đầu từ chính phủ và các doanh nghiệp lớn. Việc siết chặt quá nhanh sẽ gây khó khăn rất lớn, đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nó cũng giống như chưa thể bắt đứa trẻ 2-3 tuổi tuân theo quy định nghiêm khắc ngay được".
Người đứng đầu Công ty Trần Anh cũng đồng tình: "Tôi thực sự mong Chính phủ sẽ có đàm phán mang tính chất tổng thể để các hãng phần mềm cung cấp những gói sản phẩm giá rẻ, phải chăng. Như vậy sẽ thúc đẩy việc dùng chương trình hợp pháp được nhiều hơn".
Trao đổi với VnExpress, Phó cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ VN Trần Việt Hùng cho rằng nếu muốn bảo vệ tốt quyền sở hữu trí tuệ thì không chỉ "ép" một phía mà đối tác cũng cần có chính sách hợp lý. Khi giá giảm ở mức người ta có thể mua được thì chính sách mới khả thi. "Trách nhiệm thực thi bản quyền là của VN nhưng ngược lại các đối tác cũng phải thấy rằng giá cả của các sản phẩm phần mềm 'nhập khẩu' là quá cao so với mức sống trong nước và họ cần có chính sách giá phù hợp", ông Hùng nói.
Phó cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ VN cũng cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên tham khảo, liên hệ để tìm hiểu cách làm ở các công ty đi trước trong vấn đề này. "Chúng tôi chưa có hỗ trợ cụ thể nào về tiền hay giá cả nhưng đã có yêu cầu cụ thể cần thiết với cơ quan quản lý và chủ các phần mềm hữu dụng, phổ biến ở VN để họ lưu ý", ông Hùng cho biết.
Nguyễn Hằng