Với chất lượng hình ảnh đánh bại nhiều DSLR và thân máy không lớn hơn camera siêu zoom, Lumix DMC-GF1 là mẫu gọn gàng nhất trong dòng máy Micro Four Thirds của Panasonic.
GF1 sở hữu thân hình gọn gàng
Camera này có cảm biến 12,1 megapixel, được bán với giá 900 USD kèm ống kính. Trước đó, hai mẫu hạng phổ thông của Panasonic là Lumix DMC-G1 (800 USD) và GH1 (1500 USD) không nhỏ hơn các máy DSLR truyền thống. Còn GF1 lại có kích cỡ hợp lý hơn, tương đương máy Olympus E-P1(800 USD). Dù không thực hiện tốt như E-P1 hay các đối thủ DSLR khác trong điều kiện ánh sáng yếu (ISO 1600 hoặc hơn), GF1 lại tạo nên những ảnh chất lượng đỉnh cao trong khi trời sáng.
Thiết kế của GF1 khá lớn so với máy du lịch dạng bấm và chụp (7 x 12 x 3,5 cm) nhưng đứng gần DSLR thì rất nhỏ gọn và dễ mang theo hơn. Lấy một số ý tưởng từ mẫu Lumix DMC-ZR1, GF1 có dáng vẻ hiện đại với bộ vỏ đen hoàn toàn.
Giá 900 USD bao gồm cả ống kính, ví dụ bản dùng thử này có độ dài tiêu cự cố định (không zoom quang) 20mm (tương đương cỡ 35mm), khẩu độ f/1.7. Người mua có thể chọn GF1 với ống 14-45mm (tương đương 35mm) với khẩu f/3.5-5.6, zoom quang 3,2x có chế độ ổn định hình ảnh mà giá cũng như vậy. Một điều cần nhớ là các máy ảnh cảm biến Micro Four Thirds cho người mua sự lựa chọn rất hạn hẹp về ống kính, không như DSLR với đủ loại ống.
Với ống 200mm, GF1 cũng chỉ nặng 540 gram. Khẩu độ f/1.7 nên ống thu được nhiều ánh sáng, giúp người chụp tác nghiệp ở độ nhạy ISO thấp hơn với tốc độ cửa trập nhanh hơn - có lẽ đây là lợi thế lớn nhất so với ống 14-45mm khẩu độ f/3.5-5.6. GF1 không hoạt động tốt với ISO 1600 trở lên, do đó nên dùng ở ISO thấp với ống f/1.7.
Máy có các chế độ chụp như DSLR
Người dùng hàng Panasonic sẽ thấy giao diện của GF1 quen thuộc, nhanh và hiển thị chữ lớn, dễ đọc. Máy có tất cả chế độ chụp mà bạn mong muốn trong một DSLR truyền thống, bao gồm ưu tiên khẩu độ, ưu tiên tốc độ, chỉnh tay và tự động có nhận diện gương mặt. Nhưng không như DSLR, GF1 không có ống ngắm quang. Dù vậy hình ảnh vẫn rất sắc nét trên màn hình LCD 3 inch 470 nghìn điểm ảnh để người chụp dễ dàng nhận diện các đối tượng (so sánh: Nikon D5000 chỉ có màn 2,7 inch, 230 nghìn điểm). Nhưng nếu thêm 200 USD nữa người sử dụng có thể gắn ống ngắm quang ngay trên màn hình LCD.
Khi thử nghiệm, GF1 canh nét và bắt hình ở thời gian trung bình là 0,6 giây. So sánh với Olympus E-P1 là 1,3 giây, Canon EOS 50D là 0,4 giây. Sự khác biệt này là do 50D dùng hệ thống canh nét tự động phát hiện theo pha, trong khi E-P1 và GF1 sử dụng hệ thống canh nét bằng cách đo độ tương phản khiến tốc độ chậm hơn. GF1 có thể chụp ba khung hình mỗi giây, trong khi Sony A230 chỉ đạt 2,5 khung hình một giây.
Không có nhiều lựa chọn với ống kính nhưng chất lượng ống rất tốt
Nhưng tấm hình cuối cùng mới là điều quan trọng nhất. Ảnh rất sắc nét và hơn cả một số DSLR phổ thông và tầm trung như Sony A230 hay Nikon D5000 trên hầu hết các khoảng ISO. Ở ISO 100, GF1 thể hiện độ nét căng ở mọi f-stop, trong đó nét nhất là f/2.8.
Hình ảnh chụp bằng GF1 trong điều kiện sáng rất tốt nhưng ở ISO 1600 lúc thiếu sáng bị nhiễu nhiều. E-P1 chụp trong điều kiện thiếu sáng tương tự có mức nhiễu thấp hơn. Do đó, người dùng chỉ nên cài đặt ISO từ 100-800 trên chiếc máy này. Mức nhiễu 1,5% là ngưỡng chấp nhận được ở 800, GF1 nhiễu 1,05% nhưng ở 1600 thì con số này là 1,66%.
Cũng như GH1, việc quay video trên GF1 rất thú vị và còn dễ hơn nhiều DSLR. Cảm giác khi quay rất giống việc bạn cầm máy quay chuyên dụng bởi GF1 có thể phát hiện và bám dính các khuôn mặt, giữ các đối tượng chính luôn sắc nét nhờ khả năng canh nét tự động liên tục. Ngoài ra, các tay máy còn có thể chỉnh khẩu độ để tạo ra video có độ sâu trường ảnh lớn nhỏ tùy ý. Kết quả tạo ra rất xuất sắc, có thể trên định dạng AVCHD hay Motion JPEG độ phân giải 1280 x 720 với tốc độ 30 khung hình mỗi giây.
Dưới đây là các ảnh chụp mẫu với GF1:
Phong cảnh chụp trong ánh sáng tốt, ISO 100, khẩu độ f/2.8
Sắc hoa tự nhiên chụp ở chế độ bình thường, không dùng chức năng biến đổi màu nào
Hiệu quả xóa phông của GF1 với khẩu độ f/1.7
Chân dung